SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đặc tính hóa lý và ảnh hưởng của pH đến khả năng hấp phụ ammonium, nitrite và nitrate của than sinh học từ xơ dừa

[19/07/2023 10:10]

Than sinh học là sản phẩm giàu carbon được tạo ra bằng cách nhiệt phân vật liệu hữu cơ trong điều kiện yếm khí và ở nhiệt độ tương đối thấp (< 7000C). Nguyên liệu sản xuất than sinh học rất phong phú và đa dạng từ vỏ đậu phụng, bã mía, xơ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác. Cho đến nay, than sinh học đã được ứng dụng vào rất nhiều các lĩnh vực như: cung cấp nguyên-nhiên liệu, cố định carbon cũng như cải thiện các tính chất của đất ứng dụng trong nông nghiệp. Đặc biệt, than sinh học có các tính chất tương tự như than hoạt tính, một chất hấp phụ đã được sử dụng hiệu quả và phổ biến trong vấn đề loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước thải.

Xơ dừa là vật liệu dạng sợi nằm giữa phần gáo dừa bên trong và lớp vỏ cứng bên ngoài. Xơ dừa hiện nay được sử dụng nhiều trong việc chế tạo các loại vật liệu hấp phụ trong xử lý môi trường với giá thành rẻ, quy trình sản xuất không phức tạp và tận dụng được nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm nông nghiệp. Thành phần chủ yếu của xơ dừa là cellulose (khoảng 21 - 40%) và lignin (khoảng 15 - 47%) nên rất khó bị vi sinh vật phân hủy. Xơ dừa có khả năng hấp phụ kim loại nặng nhờ có cấu trúc nhiều lỗ xốp và thành phần gồm các polymer như cellulose, hemicellulose, lignin, … Các hợp chất polymer này có thể hấp phụ nhiều chất tan trong môi trường. Sự hiện diện của các nhóm cacboxylic, phenolic và hydroxyl làm cho chúng trở thành vật liệu hấp phụ rất tốt.

Trong những năm gần đây, sự ô nhiễm nguồn nước do tác động của con người là rất lớn, đặc biệt là sự dư thừa các hợp chất nitrogen trong môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và hệ sinh thái của thủy vực. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để loại bỏ các hợp chất nitrogen trong nước như lọc màng, xử lý sinh học và hóa học với chi phí khá cao, một giải pháp khá đơn giản và thân thiện với môi trường đó là sử dụng than sinh học có nguồn gốc từ phế phụ phẩm nông nghiệp để hấp phụ và loại bỏ các hợp chất này trong nước là một hướng đi khá tiềm năng.

Mục tiêu của nghiên cứu này, cung cấp các dữ liệu thực ngiệm về tính chất hóa lý của than sinh học từ xơ dừa và xác định được khoảng pH tối ưu để hấp phụ tốt các hợp chất nitrogen như ammonium, nitrite và nitrate từ đó mở ra hướng đi mới trong việc hạn chế ô nhiễm hữu cơ và hiện tượng phú dưỡng hóa trong môi trường nước.

Than sinh học từ xơ dừa được sản xuất bằng cách cho xơ dừa vào trong hộp inox có bọc giấy nhôm để tạo điều kiện thiếu oxygen thông qua quá trình nhiệt phân chậm trong lò nung ở nhiệt độ 5500C, với tốc độ gia nhiệt 100C/phút và giữ trong 03 giờ. Than sau khi nung xong được hạ nhiệt ở nhiệt độ phòng, sau đó tiến hành nghiền mịn với kích thước hạt trung bình là 0.5mm. Than được xử lý theo phương pháp của tác giả Fidel và cộng sự để thực hiện thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của pH đến khả năng hấp phụ ammonium, nitrite và nitrate.

Các đặc tính hóa lý và cấu trúc vật liệu than sinh học từ xơ dừa rất phù hợp để tham gia trong quá trình hấp phụ các chất ô nhiễm hữu cơ, kim loại với đặc điểm diện tích bề mặt riêng khá lớn 378.41 m2/g, kích thước lỗ rỗng vi mao quản và các nhóm chức bề mặt có khả năng trao đổi ion như O-H, -C = O, -C = C. Than sinh học từ xơ dừa có điểm điện tích không pHPZC là 5.2 và có cấu trúc carbon vô định hình. Tại pH 8 và pH 2 là khoảng pH tối ưu của quá trình hấp phụ các hợp chất ammonium, nitrite và nitrate với hiệu suất hấp phụ lần lượt là 40%, 99.78% và 99.11%. Tuy nhiên, hiệu suất tạo than sinh học xơ dừa trong nghiên cứu khoảng 27.66% khá thấp, nhằm tăng hiệu suất tạo than nhóm sẽ khảo sát thêm ảnh hưởng của yếu tố nhiệt độ và thời gian nhiệt phân để tăng khối lượng vật liệu thu được. Ngoài ra, để tăng cường khả năng hấp phụ các hợp chất nitrogen trong nước, nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên khảo sát thêm các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp phụ như thời gian, khối lượng than và nồng độ hấp phụ tối thiểu nhằm tăng hiệu quả loại bỏ các chất ô nhiễm của vật liệu than xơ dừa hướng đến ứng dụng trong quá trình xử lý nước thải, khí thải.

Tạp chí Khoa học ĐH Mở TP.HCM
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài