SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả kiểm soát sinh học rầy mềm Aphis gossypii của bọ mắt to Geocoris ochropterus

[19/07/2023 10:32]

Bọ mắt to Geocoris ochropterus là loài ăn mồi đa thực, đã và đang được quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong phòng trừ sinh học côn trùng gây hại ở nhiều nước trên thế giới. Trong nghiên cứu này, các thí nghiệm phản ứng chức năng được thực hiện để đánh giá khả năng phòng trừ sinh học rầy mềm của bọ mắt to Geocoris ochropterus thu thập ở Củ Chi.

Bọ mắt to Geocoris spp. có ở Mỹ và Canada và có khoảng 25 loài đã được tìm thấy. Song song đó, có khoảng 19 loài hiện diện ở Bắc Mỹ. Bọ mắt to Geocoris spp. có tiềm năng kiểm soát sinh học hiệu quả. Cả trưởng thành và ấu trùng có thể ăn hàng chục con mồi mỗi ngày. Loài Geocoris punctipes và Geocoris uliginosus là một trong những côn trùng săn mồi hiệu quả và quan trọng nhất trên bông vải từ tháng 06 đến tháng 09, bọ mắt to cũng ăn trứng, ấu trùng của sâu hại và rầy mềm gây hại cây bông vải. Ấu trùng bọ mắt to ăn trung bình 47 con nhện và mỗi ngày trưởng thành bọ ăn khoảng 83 con nhện đỏ. Nghiên cứu cho thấy giai đoạn ấu trùng có thể ăn 1,600 con nhện để phát triển đến khi vũ hóa thành thành trùng.

Loài bọ xít mắt to Geocoris ochropterus được phát hiện đặt tên vào năm 1844 bởi tác giả Fieber. Năm 1993, Mukhopadhyay và Sannigrahi đã đi sâu nghiên cứu khả năng ăn mồi, hành vi săn mồi, thời gian sinh trưởng các pha, tỷ lệ sống của loài Geocoris ochropterus. Các hành vi ăn của Geocoris ochropterus liên quan đến một loạt các hành động, nó hút các chất lỏng bên trong con mồi, nâng và giữ con mồi trong vòng một thời gian ngắn có thể tiết các enzym tiêu hóa qua tuyến nước bọt, tiêu hóa dịch đã hút từ con mồi. Bọ mắt to Geocoris ochropterus được báo cáo có phổ ăn mồi đa dạng, bao gồm các loài bọ trĩ Caliothrips indicus, Ayyaria chaetophora, Scirtothrips dorsalis, bọ phấn trắng Bemisia tabaci, nhện đỏ, trứng và ấu trùng của các loài sâu hại bộ cánh vảy. Bọ mắt to tuổi 05 có hiệu quả ăn mồi cao đối với loài sâu xanh Helicoverpa armigera. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hiệu quả ăn mồi của bọ xít mắt to Geocoris ochropterus đối với rầy mềm hại rau, là tiền đề cho việc ứng dụng thiên địch một cách rộng rãi trên các loại cây trồng, đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Bọ mắt to được thu thập ở Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và được nhóm nghiên cứu định danh là loài Geocoris ochropterus. Bọ được nuôi và duy trì quần thể trong phòng thí nghiệm Động vật, khoa CNSH, Trường Đại Học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Rầy mềm Aphis gossypii (Hemiptera: Aphididae) được thu thập từ các vườn rau canh tác không sử dụng thuốc hóa học ở Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh và duy trì trên cây cải Brassica integrifolia.

Thí nghiệm phản ứng chức năng: Khả năng ăn mồi của Bọ mắt to với các mật độ rầy mềm khác nhau

Thí nghiệm được bố trí với tỉ lệ bọ xít mắt to: rầy mềm như sau: 1:20, 1:30, 1:40, 1:50, 1:60 tương ứng với nghiệm thức 1 đến 5 (NT1-NT5). Bọ mắt to sử dụng trong thí nghiệm là bọ mắt to trưởng thành cái. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong phòng thí nghiệm với 03 lần lặp lại. Sử dụng BXMT sau khi vừa vũ hóa một ngày và lá cà tím nhiễm rầy mềm để thực hiện thí nghiệm. Lá cà tím nhiễm rầy mềm được ghim trên mút cắm hoa ẩm và được chứa trong các hộp nhựa tròn cao 25cm, đường kính 15cm, phần trên nắp dán lưới và theo dõi trong 24 giờ. Thời gian chiếu sáng: LD (Ligh: Dark) 12:12 (12 giờ chiếu sáng:12 giờ tối).

Chỉ tiêu theo dõi bao gồm: số rầy mềm sống - chết. Xác định mối tương quan giữa số bọ mắt to trong thí nghiệm và số rầy mềm bị ăn.

Thí nghiệm khả năng ăn mồi rầy mềm khi số lượng khác nhau của Bọ mắt to

Thí nghiệm được bố trí với số lượng bọ xít mắt to ở các nghiệm thức lần lượt là 1, 3, 5, 7, 9. Số rầy mềm trong mỗi nghiệm thức là 20 con và được theo dõi trong 24h. Bọ mắt to sử dụng trong thí nghiệm là bọ mắt to trưởng thành cái. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong phòng thí nghiệm với 03 lần lặp lại.

Chỉ tiêu theo dõi bao gồm: Ghi nhận số rầy mềm sống - chết. Xác định mối tương quan giữa số bọ xít mắt to và số rầy mềm bị ăn bằng cách tính hệ số R trong phương trình tương quan.

Trong thời gian 24h, có sự khác biệt rất có ý nghĩa về mặt thống kê về tổng số rầy mềm bị bọ xít mắt to tiêu diệt giữa các nghiệm thức. Bọ mắt to tiêu diệt trung bình 12.7 ± 2.51; 21.33 ± 1.52; 31.33 ± 2.08; 40 ± 2; 40 ± 1.15 rầy mềm tương ứng lần lượt với các mật độ 20, 30, 40, 50, 60 con rầy mềm, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng bọ mắt to thể hiện phản ứng chức năng phù hợp với kiểu II. Thí nghiệm phản ứng số lượng biểu thị đường cong số rầy mềm bị tiêu diệt gia tăng khi mật độ bọ thành trùng tăng từ 05 con. Kết quả nghiên cứu cho thấy Bọ mắt to Geocoris ochropterus là loài có khả năng áp dụng trong phòng trừ sinh học côn trùng gây hại.

Tạp chí Khoa học ĐH Mở TP.HCM
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài