SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập hợp chất từ cao Petroleum Ether được chiết từ vỏ cây bằng lăng nước (Lagerstroemia speciosa (L.) Pers.) thuộc chi tử vi (Lagerstroemia)

[19/07/2023 14:12]

Cây Bằng lăng nước còn được gọi tắt là Bằng lăng, tên khoa học Lagerstroemia speciosa (L.) Pers., thuộc chi Tử vi (Lagerstroemia). Ở Việt Nam, Cây Bằng lăng nước vốn đã rất quen thuộc và phổ biến, Bằng lăng được trồng ở nhiều nơi trên đất nước như ở Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Cây có tán lá rộng, hoa đẹp với màu tím đặc trưng được nhiều người yêu thích nên Bằng lăng được trồng để tạo bóng mát và cảnh quan cho các đô thị và trường học. Bằng lăng nước là loại cây thân gỗ lớn cao khoảng 10 đến 20 m, phân cành cao, thẳng, tán dày. Lá màu xanh lục, hình bầu dục hay hình giáo dài, cứng, không lông, dài đến 20 cm, cuống to. Cụm hoa hình tháp ở ngọn các cành, màu tím hồng, mọc thẳng. Nụ hoa hình cầu, hoa lớn có 6 cánh, có móng ngắn, trên cánh có những ngấn nhăn nhỏ. Quả nang, hình trứng, quả mọc thành chùm, kích thước 20×18 mm, nằm trong đài tồn tại, mở theo 6 mảnh, khi tươi quả màu xanh, lúc già màu xám, khi chín màu đen bung ra để phát tán hạt.

Bằng lăng nước có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngoài ra, chúng cũng phát triển mạnh ở những vùng khí hậu ôn đới nhưng độ ẩm tương đối thấp như miền nam Texas và California. Ở các nước vùng Nam và Đông Nam Á như: Mianma, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines. Ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ và Australia cũng gặp loài này.

Trong y học người ta dùng lá Bằng lăng để trị bệnh tiểu đường, béo phì. Hoa chứa tinh dầu có mùi thơm dịu nên có thể dùng chế nước hoa. Vỏ trị sốt, đau và loét dạ dày, rễ trị sốt, trái đắp trị lở miệng, hạt trị mất ngủ. Các nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính ở trong nước và trên thế giới chủ yếu tập trung trên lá cây. Rất ít công trình nghiên cứu trên vỏ, cho nên đây cũng chính là tính mới của đề tài.

Phương tiện nguyên cứu

Dụng cụ: Máy cô quay, bếp điện, tủ sấy, cân điện tử, đèn soi UV, cột sắc ký, bình tam giác, chai đựng dung dịch, lọ bi, cốc becher các loại 100 ml, 200 ml, 250 ml, bình chiết, đũa thủy tinh, ống mao quản,...

Hóa chất: Dung môi sử dụng trong đề tài là dung môi đóng chai xuất xứ Việt Nam (Chemsol). Silica gel 60 (Merck) dùng cho sắc ký cột, Sắc ký lớp mỏng (SKLM) dùng silica gel F254 (Merck). Xác định cấu trúc của hợp chất đã cô lập được: Sử dụng các phương pháp phổ nghiệm: 1H-NMR, 13C-NMR.

Phương pháp nghiên cứu

Vỏ cây được rửa sạch, phơi khô tự nhiên sau đó nghiền nhỏ thu 3.0 kg bột, ngâm với ethanol 960 trong một tuần. Sau đó lọc dưới máy áp suất giảm, tiếp tục thêm ethanol vào

ngâm cho đến khi dịch chiết không còn mà, đem dịch chiết cô quay thu hồi dung môi ta thu được cao ethanol tổng. Khối lượng cao ethanol tổng là 56 gam (Hiệu suất đạt 1,87% so với bột cây).

Điều chế cao petroleum ether (PE): Từ cao ethanol tổng pha với nước cất lọc qua giấy lọc để loại cặn. Dịch cao ethanol tổng được chiết lỏng - lỏng với petroleum ether lấy phần trên (trích nhiều lần bằng bình chiết, cho tới lúc phần lớp trên trong thì ngưng). Lấy phần dung dịch lớp trên đem cô quay thu được cao petroleum ether, khối lượng cao là 25 gam (Hiệu suất đạt 44,64% so với cao tổng).

Từ nguyên liệu ban đầu là vỏ cây Bằng lăng nước, chúng tôi đã thực hiện các phươn pháp chiết ngâm dầm với ethanol, sau đó chiết lỏng - lỏng để thu được Cao PE. Từ Cao PE sử dụng sắc ký cột, sắc ký lớp mỏng, các phương pháp lọc, kết tinh lại,... và đã thu được hai hợp chất từ Cao PE. Hai hợp chất này được định danh là: Tetracosanoic acid và lupeol. Điều này đã góp phần đóng góp thêm vào thành phần hóa học của cây Bằng lăng nước Lagerstroemia speciosa (L.).

Tạp chí Khoa học & Kinh tế Phát triển ĐH Nam Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài