SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng nhãn hiệu tập thể su su sapa

[13/05/2012 15:04]

Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 35 km về phía Tây Nam. Sa Pa là cửa ngõ của hai vùng Đông bắc và Tây bắc, vị trí địa lý tạo Sa Pa có rất nhiều lợi thế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu, buôn bán với các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng,…

… huyện được chia thành 18 đơn vị hành chính cấp xã gồm 17 xã và 01 thị trấn. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình 1500 đến 1800m so với mực nước biển, có diện tích tự nhiên 68.329 ha nên quanh năm mát mẻ, là địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách muôn nơi.

 Sa Pa có một nền nông nghiệp từ rất lâu đời với hệ thống cây trồng á nhiệt đới và ôn đới rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê Sa Pa có gần 40 giống lúa bản địa nằm rải rác ở các xã trong đó có nhiều giống có chất lượng cao như nếp Mường Bo, lúa Tầu Bay, Lúa bèo ông Củ, lúa tẻ đỏ, trắng, lúa nương, lúa nếp…; Các giống ngô rất nổi tiếng như ngô nếp để ăn tươi và ngô răng ngựa để xay làm mèn mén, ngô tím,… Các loại rau á nhiệt và ôn đới rất phong phú với rất nhiều giống rau bản địa có tính đặc hữu cao như rau Củ khởi, rau Ô dây, rau Húng mì chính, rau làm thuốc, rau su su, su hào, rau cải xoong, rau cải mèo (riêng rau cải mèo có tới hàng chục loại)... Ngoài ra hiện nay Sa Pa có nhiều giống rau mới được du nhập vào như sà lách Đài Loan, súp lơ xanh, cải bắp các loại, rau gia vị các loại,…

Riêng về Su Su, từ nhiều năm nay cây Su su đã trở thành một loại rau đặc trưng ở Sapa. Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi nên Su su ở Sapa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng. Nông dân Sa Pa trồng su su để lấy ngọn, lấy quả làm nguồn cung cấp rau xanh cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và phục vụ cho khách du lịch. Hiện nay, diện tích trồng Su su tai huyện Sapa có trên 150 ha, trong đó vùng Ô Quy Hồ chiếm hơn 100 ha.

Rau Su su Sa Pa có đặc điểm khác biệt so với rau su su trồng ở các địa phương khác, từ kỹ thuật trồng đến chất lượng sản phẩm. Nếu như rau su su ở các địa phương khác thường  trồng năm một thì rau su su ở Sapa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì thế ở đây có những gốc Su su có tuổi đời hàng chục năm tuổi. Rau su su ở Sapa thường cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm và sau mỗi vụ thu hoạch người nông dân lại cắt bỏ các dây su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Đến tháng 2 năm sau thì những gốc su su đó sẽ nảy lên những mầm mới và phát triển thành các giàn su su rộng lớn.

Những người trồng su su ở đây cho biết, Su su ở Sa Pa chỉ nhìn màu quả là có thể nhận biết ngay. Quả su su Sa Pa  có màu xanh nhạt và bóng mỡ màng chứ không xanh đậm, gai cứng như su su trồng ở các nơi khác. Đối với ngọn cũng có điểm khác biệt, ngọn su su Sapa mập, các lóng dài vừa phải nên mỗi đoạn ở ngọn thường có từ 3-5 lá . Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo nên một sự hài hòa giữa phần thân và lá cho một món ăn hấp dẫn. Khi thưởng thức món ăn được chế biến từ ngọn su su người ta cảm nhận được vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Có được như vậy là do Su su Sapa được trồng ở độ cao từ 1.500m đến 1800m, với chất đất mầu mỡ là đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên sản phẩm có khả năng tích lũy đường rất cao. Chính vì vậy hiện nay, sản phẩm su su Sa Pa đã có tiếng không chỉ ở Sa Pa, Lào Cai mà còn được các địa phương khác trong cả nước đều biết đến và rất ưa chuộng. 

Trong những năm gần đây, những thành tựu mới của khoa học và Công nghệ, nhất là lĩnh vực hoạt động Sở hữu trí tuệ đã tạo nên những biến động lớn trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Đối với tỉnh Lào Cai, đã và đang có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp và du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, địa phương và các doanh nghiệp cũng rất chú trọng đến việc tạo lập và bảo hộ các giá trị tài sản trí tuệ của địa phương, của doanh nghiệp. Một trong những tài sản trí tuệ đó là “nhãn hiệu” cho dịch vụ và hàng hóa, trong đó có loại hình là “Nhãn hiệu tập thể”. Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ có hiệu quả tạo lợi ích kinh tế cho tất cả các tác nhân tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu dùng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Chính vì lẽ đó, mà dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngọn su su Sa Pa” cho sản phẩm Ngọn su su Sa Pa của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai” do Sở Khoa học Công nghệ Lào Cai chủ trì đã được phê duyệt và triển khai trong 2 năm 2010-2011. Dự án với mục tiêu cơ bản là xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể “su su Sapa”, đảm bảo quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể hợp pháp cho các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện sử dụng, đồng thời ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu tập thể. Để có một tổ chức đại diện đứng ra đảm bảo các quyền lợi cho người trồng su su nên tổ chức Hội người sản xuất kinh doanh su su huyện Sa Pa đã được thành lập. Hội người sản xuất, kinh doanh Su su huyện Sapa ra đời với mục tiêu nhằm phát triển bền vững sản phẩm đặc sản, đồng thời bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh su su. Các hoạt động của Hội được tập trung vào việc giúp đỡ các hội viên về kinh tế và kỹ thuật sản xuất, kinh doanh dịch vụ nghề rau - quả trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Bên cạnh đó các hội viên còn cùng nhau tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và chia sẻ khó khăn trong quá trình sản xuất, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất trong kinh doanh, tạo nguồn nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của loại sản phẩm đặc sản này. Ngoài ra, Hội còn giữ vai trò bảo vệ lợi ích kinh tế chính đáng, hợp pháp của hội và hội viên về những vấn đề liên quan đến phát triển su su Sa Pa. Các hội viên khi tham gia cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Hội

Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Su su Sa Pa” đã hoàn thành những mục tiêu cơ bản phục vụ cho việc tạo lập và quản lý nhãn hiệu tập thể. Dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý xin thành lập và đưa Hội người sản xuất, kinh doanh Su su huyện Sapa đi vào hoạt động. Dự án đã xây dựng được 1 số các quy chế phục vụ cho việc cấp và sử dụng nhãn hiệu tập thể; hệ thống văn bản phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu. Năm 2011, Hội người sản xuất, kinh doanh Su su huyện Sapa đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể “su su Sapa”cho các sản phẩm rau su su tại Cục Sở hữu trí tuệ và đã được chấp nhận đơn hợp lệ từ ngày 27 tháng 7 năm 2011. Để các hoạt động của Hội có hiệu quả và gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con xã viên, Ban chấp hành Hội sẽ từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức của Hội và xây dựng những kế hoạch cụ thể hơn cho việc mở rộng sản xuất, xây dựng các phương án mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển thương hiệu Su su Sapa cho những năm tiếp theo.

Vấn đề xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho mỗi sản phẩm là một chuỗi các công việc lâu dài và vô cùng khó khăn, phức tạp. Nó đòi hỏi cần phải có sự nhiệt tình tham gia và xây dựng của các hội viên. Hi vọng rằng với sự nỗ lực của Ban chấp hành hội, các hội viên và sự tham mưu của Ủy ban nhân dân huyện Sapa, Sở Khoa học Công nghệ Lào Cai trong thời gian qua và sắp tới sẽ góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm Su su Sa Pa trở thành một sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Sa Pa.

http://laocai.gov.vn (lntkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài