SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả và tính an toàn của tiêm botulinum toxin trên bệnh nhân loạn trương lực cơ cục bộ

[11/01/2024 15:33]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Duy Duẫn, Trương Hữu Hùng, Trương Thị Ái Vân, Trần Thị Kim Anh, Nguyễn Xuân Nhân, Nguyễn Đình Toàn thực hiện nhằm Khảo sát đặc điểm lâm sàng của loạn trương lực cơ (LTLC) cục bộ và đánh giá hiệu quả điều trị và tính an toàn kỹ thuật tiêm Abobotulinum Toxin trên bệnh nhân LTLC cục bộ.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến cứu trên 59 bệnh nhân và 114 lần chích điều trị LTLC cục bộ tại đơn vị Thăm dò chức năng, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế từ 7/2020 - 06/2023. Bệnh nhân được đánh giá mức độ nặng theo các thang điểm và theo dõi mỗi một tháng sau chích ghi nhận cảm nhận cải thiện chủ quan tối đa và tác dụng phụ của kỹ thuật chích.

Kết quả, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đến điều trị các LTLC cục bộ gồm giật nửa mặt (GNM): Co thắt mí (CTM): LTLC cổ: LTLC chi: LTLC hàm miệng với số ca lần lượt là 17: 12: 20: 8: 2. Với GNM, nguyên nhân nguyên phát chiếm 82,4%, thang điểm lượng giá GNM là 6,1 ± 0,5; được tiêm 80,9 ± 29,9U Abobotulinum; giúp cải thiện tối đa > 50% và hoàn toàn trong 83,9% lần chích, tác dụng phụ phổ biến nhất là yếu cơ mặt chiếm 47,0% bệnh nhân và 41,9% tính trên số lần chích. Với CTM, mức độ nặng trung bình là theo thang điểm Jankovic’s 5,5 ± 0,9; liều thuốc điều trị trung bình 68,1 ± 27,6 giúp 90,5% cải thiện > 50% và hoàn toàn; chỉ có 2 bệnh nhân bị bầm tím và 1/3 bệnh nhân mắt nhắm không kín và không có bệnh nhân sụp mi. Với LTLC cổ, độ nặng theo thang điểm LTLC cổ Tây Toronto là 26,3 ± 9,6; với liều trung bình 406,1 ± 225,2 giúp cải thiện 97,8% lần chích, 1 bệnh nhân có đau cổ nhiều hơn. Tác dụng phụ ghi nhận là 1 bệnh nhân ngất phế vị và 1 bệnh nhân có triệu chứng giống nhiễm cúm sau tiêm. Bệnh nhân LTLC chi ghi nhận 100% cải thiện lượng giá chủ quan, và chỉ có 1 bệnh nhân yếu ngón trỏ. 2 trường hợp LTLC hàm đóng đều ghi nhận cải thiện và không có tác dụng phụ nào. Tất cả các tác dụng phụ trên đều thoáng qua và nhẹ nhàng.

Dạng LTLC chiếm ưu thế là loạn trương lực cơ hàm mặt và cơ cổ, chủ yếu là nguyên phát. Nghiên cứu đã chứng minh được tính hiệu quả trong cải thiện triệu chứng loạn trương lực tương đương với các nghiên cứu trên thế giới trong GNM, CTM và LTLC cổ và hiệu quả thấp hơn trong LTLC chi. Tác dụng phụ yếu cơ tại chỗ rất phổ biến trong loạn GNM và CTM, ở các LTLC khác thì hiếm gặp.

Tạp chí Y dược Huế, tập 13
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài