SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Độc cấp tính và ảnh hưởng của excel basa 50ec đến enzym cholinesterase và hô hấp của cá mè vinh (Barbonymus gonionotus) cỡ giống

[12/03/2024 14:27]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Phạm Quốc Nguyên, Trần Nguyễn Thanh Trúc và Nguyễn Văn Công thuộc Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Đồng Tháp và Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng lúa lớn nhất Việt Nam và tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng tăng tỷ lệ thuận với sản lượng lúa. Lượng thuốc BVTV hóa học đã sử dụng ở vùng ĐBSCL năm 2020 là 24.587 tấn, trung bình 5,40 kg/ha, ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ là 5,63 – 16,17 kg/ha gieo trồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2020), khoảng 50% lượng thuốc BVTV này sẽ đi vào môi trường không khí, đất và nước (Bá & Triết, 2005) nên có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sinh vật.

Fenobucarb thuộc nhóm Carbamate, gây độc qua cơ chế làm giảm hoạt tính enzyme Cholinesterase (ChE) (Stenersen, 2004). Khi ChE bị ức chế đến 70%, nó sẽ làm chết hầu hết cá loài thủy sinh vật (Fulton & Key, 2001) và ức chế 30% được xem như ngưỡng giới hạn cho phép không ảnh hưởg đến sức khỏe của hầu hết sinh vật (Aprea et al., 2002). Hiện nay, hoạt chất Fenobucarb được sử dụng phổ biến trong canh tác lúa ở ĐBSCL, có đến 54 tên thương mại thuốc BVTV chứa hoạt chất Fenobucarb bán trên thị trường, trong đó có Excel Basa 50EC (Bộ NN & PTNN, 2021).

Cá mè vinh (Barbonymus gonionotus) là loài khá phổ biến và có giá trị kinh tế tại ĐBSCL, cá sống ở nhiều loại hình thủy vực khác nhau như sông, ao, hồ, kênh, mương vườn, ruộng,... (Khoa & Hương, 1993). Cá mè vinh cũng là loài được thả nuôi nhiều trong các mô hình canh tác cá – lúa (cá – lúa kết hợp hay cá – lúa luân canh). Loài cá này không thể tránh khỏi những ảnh hưởng có hại đến sức sống và khả năng sinh trưởng khi người dân sử dụng hóa chất BVTV. Cong et al. (2021) cho rằng chlorpyrifos ethyl rất độc đối với cá mè vinh, LC50-96h của hoạt chất này đối với cá mè vinh cỡ giống là 0,119 ppm và ở nồng độ dưới ngưỡng gây chết làm ảnh hưởng đến ChE loài cá này. Theo Cong et al. (2021) carbosulfan cũng rất độc đối với loài ca này, LC50 của carbosulfan đối với cá mè vinh cỡ giống là 0,275 ppm, ở nồng độ dưới ngưỡng gây chết thuốc làm ảnh hưởng đến ChE và tăng trưởng cá Tuy nhiên, ảnh hưởng của Excel basa 50EC chứa 50% fenobucarb đến cá mè vinh chưa được công bố. Bài viết này nhằm cung cấp thông tin khoa học về độc cấp tính và ảnh hưởng của Excel basa 50EC chứa 50% fenobucarb đến cholinesterase và hô hấp cá mè vinh (Barbonymus gonionotus) cỡ giống nhằm bổ sung thông tin cho lĩnh vực độc học thủy vực và cảnh bá trong sử dụng thuốc trong canh tác nông nghiệp nói chung và trong canh tác lúa nói riêng.

Qua kết quả nghiên cứu, có thể kết luận như sau: thuốc Excel Basa 50EC chứa hoạt chất Fenobucarb có độ độc trung bình đối với cá mè vinh, giá trị LC50–96h của Excel Basa 50EC đối với cá mè vinh là 25,428 ppm hay 12,714 ppm tính theo nồng độ Fenobucarb.

Khi phơi nhiễm với thuốc ở nồng độ gây chết, ChE bị ức chế 83,55% cá bơi lội bất thường; ChE bị ức chế 84,45% cá lật bụng và ChE bị ức chế 89,47% cá chết.

Khi cá mè vinh tiếp xúc với Excel Basa 50EC ở nồng độ gây chết, tiêu hao oxy và ngưỡng oxy tăng cao.

Bên cạnh những kết luận trên, tác giả đề xuất kiến nghị: anh hưởng của thuốc đến mô học mang cá mè vinh cần nghiên cứu để có giải thích thêm về ảnh hưởng của thuốc đến hô hấp của cá.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 152-159.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài