SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thử nghiệm đực hóa cá thần tiên (Pterophyllum scalare) bằng phương pháp ngâm Spironolacton

[24/03/2024 15:52]

Để đạt được hiệu quả kinh tế cao, nhóm các nhà nghiên cứu gồm Lê Thế Lương, Đinh Thế Nhân và Diệp Nhựt Thái, thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu thử nghiệm đực hóa cá thần tiên (Pterophyllum scalare) bằng phương pháp ngâm Spironolacton.

Ở Việt Nam, cá cảnh là một thị trường tiềm năng, để đáp ứng được nhu cầu của người chơi cá cảnh thì cần làm nổi bật các tính trạng trên các đối tượng mà người chơi cá cảnh đang quan tâm, từ đó phát triển lớn mạnh thị trường cá cảnh. Cá thần tiên là một trong những loài cá cảnh có kích thước nhỏ nhưng màu sắc và hình thái đẹp, đặc biệt là con đực. Do con đực có hình dáng bên ngoài đẹp, lớn nhanh hơn con cái, và giá trị kinh tế cao hơn cá cái nên việc đực hóa giống cá cảnh này sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nghiên cứu được thực hiện tại Trại thực nghiệm Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022. Cá bố mẹ thí nghiệm được mua từ trại giống uy tín trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chọn những con khỏe mạnh, vây, kỳ lành lặn, không bị dị tật, dị hình, đã thành thục sinh dục. Cá sau khi mua về, được dưỡng và nuôi vỗ trong bể kính có kích thước 120 ×50 ×60 cm (dài x rộng x cao) với mật độ 10 con/bể cho chúng tự bắt cặp với nhau, sau đó tách các cặp đã bắt cặp ra các bể kính có kích thước 60 ×40 ×40 cm với mật độ 2 con/bể (1 cặp bố mẹ), bể có máy lọc nước và sục khí nhẹ, liên tục, trong bể có bố trí giá thể cho cá đẻ bằng gạch men có bề mặt nhám. Tổng số 12 cặp cá bố mẹ đã được sử dụng trong thí nghiệm này. Cá bố mẹ được cho ăn ngày 2 lần, buổi sáng cho ăn trùn chỉ (Limnodrilussp) vào lúc 9:00 và buổi chiều lúc 15:00 cho ăn thức ăn chế biến (5g bột cá hoặc tôm xay nhuyễn: 15g cám gạo: 1 quả trứng gà, trộn đều, hấp cách thủy trong 15 phút, bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, cho ăn trong vòng 3-5 ngày). Cá con thí nghiệm được sinh ra từ các cặp cá bố mẹ nói trên.

Cá bột mới nở được cho ở chung với cá bố mẹ, cá sau khi nở 1 tuần được tách ra, tiến hành đực hóa bằng cách ngâm cá (Pterophyllum scalareLichtenstein, 1823) 7 ngày tuổi trong dung dịch có chứa Spironolacton (SP) ở các liều lượng khác nhau. Cá được ngâm riêng trong các túi polyethylen với thể tích 100 mL nước cho 100 cá có pha sẵn SP với hàm lượng 0, 5, 10 và 15 mg/L. Các túi được bơm oxy và giữ trong vòng 2 giờ, sau đó cá con được cho vào các bể và nuôi riêng. Sau 90 ngày, giới tính cá được xác định dựa vào hình thái bên ngoài và mổ cá để quan sát cơ quan sinh dục. Hiệu suất đực hóa cao nhất ở hàm lượng 15 mg/L với 86,59 ± 2,1%, thấp nhất ở hàm lượng 5 mg/L với 74,12 ± 1,9%, sự khác biệt này có ý nghĩa về thống kê (p<0,05). Tỉ lệ sống đạt cao nhất ở liều ngâm 15 mg/L với 99,30 ± 1,5% và thấp nhất ở liều ngâm 10 mg/L với 98,50 ± 1,5 %, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Tỉ lệ sống của cá sau khi được xử lý và quá trình ương 90 ngày tuổi là khá cao (98,50 ± 1,5%-99,75 ± 1,5%). Sự khác biệt về tỉ lệ sống giữa các nghiệm thức với nhau và giữa các nghiệm thức cá đã được xử lý bằng SP với nghiệm thức đối chứng là không có ý nghĩa về mặt thống kê (P<0,05). Như vậy, SP không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của cá thần tiên bột cũng như cá con.

Sau nghiên cứu, kết quả cho thấy Spironolacton có tác dụng đực hóa trên cá thần tiên ở tất cả các nồng độ xử lý. Tỉ lệ đực và tỉ lệ đực hóa khi xử lý cá thần tiên bột bằng SP đều cao hơn so với nghiệm thức đối chứng (không xử lý SP).Tỉ lệ đực hóa và hiệu suất đực hóa cao nhất ở liều ngâm 15 mg/L, liều ngâm SP 5 mg/L cho tỉ lệ đực hóa và hiệu suất đực hóa thấp nhất. Liều ngâm SP 10 mg/L cho tỉ lệ đực hóa và hiệu suất đực hóa ở mức trung bình.Các liều ngâm SP cao hơn trên cá thần tiên bột cần được nghiên cứu để tìm ra liều ngâm tối ưu nhất. Phương pháp này có thể ứng dụng để tạo ra đàn cá thần tiên toàn đực, tuy nhiên cần tính toán liều lượng phù hợp với điều kiện từng nơi.

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ Tập 59, Số 4B (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài