SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu mầm bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn trên lươn đồng (Monopterus albus) giai đoạn giống và nuôi thương phẩm

[02/04/2024 15:15]

Lươn đồng (Monopterus albus) là đối tượng nuôi có nhiều tiềm năng do thịt lươn có nhiều dinh dưỡng, thời gian nuôi ngắn, chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, giá cả ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống cho người dân.

Lươn đồng là đối tượng thích hợp nuôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và đang được nuôi phổ biến ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Bạc Liêu. Người nuôi lươn tận dụng diện tích xung quanh nhà để làm bể lót bạt hoặc bể xi măng. Các mô hình nuôi lươn mang lại lợi nhuận bình quân khoảng 875,6 nghìn đồng/m2/vụ. Do nhu cầu nuôi lươn thương phẩm tăng cao nên sản xuất lươn giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo cũng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, người nuôi lươn cũng gặp những khó khăn như thiếu con giống chất lượng tốt, thời tiết bất thường và nhiều loại bệnh xảy ra thường xuyên gây trở ngại trong quá trình nuôi lươn.

Người nuôi lươn tận dụng nguồn thức ăn tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp, sử dụng các vật liệu sẵn có để làm giá thể cùng với phương thức quản lý đơn giản nên lươn nuôi dễ mắc bệnh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và năng suất nuôi. Nghiên cứu cho thấy các chủng vi khuẩn phân lập từ lươn đồng (Monopterus albus) có biểu hiện của bệnh xuất huyết là do vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Nghiên cứu ghi nhận, vi khuẩn Aeromonas veronii có khả năng gây bệnh, làm tổn thương mô và gây chết lươn. Tỷ lệ tử vong từ 40 đến 80% và lươn chết sau 2-3 ngày nhiễm bệnh.

Ngoài ra, một số bệnh thường gặp ở lươn nuôi như bệnh viêm ruột, bệnh đỏ da, bệnh lở loét, bệnh thối đuôi, bệnh do giun sán nội ký sinh, đĩa ký sinh, đốm đen, bệnh nấm thuỷ mi đã được một số tác giả mô tả và ghi nhận. Đặc biệt, bệnh giun sán nội ký sinh trên lươn được xác định bằng hình thái (soi tươi, nhuộm mẫu) và kỹ thuật sinh học phân tử là do các loài giun tròn thuộc các giống Eustrongylides, Gnathostoma, Acanthocephalan, Clinostomum, Bothriocephalus, Capillaria, Camallanus và Procamallanus.

Nghiên cứu về bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn nhiễm trên lươn nuôi ở các giai đoạn được thực hiện làm cơ sở khoa học cho việc quản lý sức khỏe và phòng trị bệnh lươn hiệu quả hơn, góp phần phát triển bền vững mô hình ương nuôi lươn hiện nay.

1. Phương pháp nghiên cứu

1.1. Phương pháp thu và bảo quản mẫu

Mẫu lươn giống và lươn nuôi thương phẩm được thu ngẫu nhiên từ các bể nuôi của 6 trại nuôi lươn tại tỉnh Vĩnh Long, mỗi trại thu 3 bể nuôi. Mẫu kiểm tra ký sinh trùng là 10 con/bể, thu ngẫu nhiên trong quá trình nuôi. Mẫu kiểm tra vi khuẩn là thu mỗi bể 2 con khỏe làm đối chứng và 5-7 con có dấu hiệu bệnh lý, thu mẫu khi có bệnh xảy ra trên lươn.

Quá trình thu mẫu lươn được thực hiện ở 3 trại nuôi lươn giống và 3 trại nuôi lươn thương phẩm. Mẫu lươn nuôi thương phẩm để phân tích ký sinh trùng có chiều dài từ 25,2 đến 50,3 cm và khối lượng từ 46,2 đến 122 g. Mẫu lươn giống phân tích ký sinh trùng có chiều dài từ 5,5 đến 17,9 cm và khối lượng từ 0,8 đến 2,5 g. Tổng số mẫu lươn phân tích ký sinh trùng là180 gồm 90 mẫu nuôi thương phẩm và 90 mẫu lươn giống.

Mẫu lươn phân tích vi khuẩn được thu khi có các biểu hiện bệnh lý đặc trưng. Mẫu lươn nuôi thương phẩm phân tích vi khuẩn có chiều dài từ 27,2 đến 50,0 cm và khối lượng từ 45,5 đến 120 g. Mẫu lươn giống vi khuẩn có chiều dài từ 6,2 đến 17,6 cm và khối lượng từ 0,8 đến 2,7 g. Tổng có 130 mẫu lươn (70 mẫu lươn nuôi thương phẩm và 60 mẫu lươn giống); .trong đó, mẫu lươn có biểu hiện bệnh là 94 (52 mẫu lươn nuôi thương phẩm và 42 mẫu lươn giống).

Lươn được vận chuyển sống về phòng thí nghiệm bằng thùng nhựa hoặc thùng xốp có chứa nước và sục khí, được phân tích ngay trong ngày.

1.2. Phương pháp kiểm tra ký sinh trùng trên lươn

Quan sát các dấu hiệu bên ngoài như màu sắc, da và ghi nhận tình trạng lươn trước khi mổ; tiến hành đo chiều dài, khối lượng của lươn. Ngoại ký sinh được thực hiện bằng cách lấy nhớt trên thân, mang, ép tiêu bản tươi rồi quan sát dưới kính hiển vi (10-40x). Nội ký sinh được thực hiện tương tự bằng cách lấy dịch nhầy trong ruột, dạ dày hoặc gan, thận, tỳ tạng, túi rồi quan sát dưới kính hiển vi (10-40x). Mức độ cảm nhiễm ký sinh trùng được đặc trưng bằng tỉ lệ nhiễm và cường độ nhiễm:

Tỷ lệ nhiễm (%) = (Tổng số cá nhiễm ký sinh trùng/ Tổng số cá kiểm tra) x 100

Cường độ nhiễm = Số trùng/ Cá thể, cơ quan, lame, thị trường

Ký sinh trùng nhiễm trên lươn được phân loại đến giống dựa trên các chỉ tiêu hình thái cấu tạo.

1.3. Phương pháp nhuộm Giemsa quan sát vi khuẩn

Mẫu gan, thận và tỳ tạng được lấy; phết tiêu bản, để khô ở nhiệt độ phòng; cố định mẫu trong methanol 1 phút. Mẫu được nhuộm bằng Giemsa theo phương pháp Humason. Kết quả sự hiện diện của vi khuẩn được đọc dưới kính hiển vi vật kính 40x và100x có giọt dầu soi kính.

1.4. Phương pháp phân tích vi khuẩn trên lươn

Mẫu lươn bệnh được phân tích vi khuẩn theo phương pháp của Frerichs and Millar. Vi khuẩn được phân lập từ các cơ quan khác nhau: gan, thận, tỳ tạng của từng con và cấy trên môi trường TSA (Tryptic soy agar).

Phương pháp phân lập vi khuẩn

Quan sát và ghi nhận dấu hiệu bệnh lý bên ngoài sau đó dùng cồn 70% sát trùng bên ngoài lươn, lau sạch, mổ xoang bụng, quan sát và ghi nhận dấu hiệu bên trong. Phân lập vi khuẩn bằng cách rạch một đường ở gan, thận và tỳ tạng bằng dao tiệt trùng, dùng que cấy lấy mẫu bệnh phẩm từ chỗ vừa rạch và cấy lên môi trường TSA. Mẫu cấy được ủ ở nhiệt độ 28°C. Sau 24-48 giờ, màu sắc, hình dạng khuẩn lạc được ghi nhận và tiến hành tách ròng đến khi đạt đĩa cấy thuần. Hình dạng, kích thước, màu sắc khuẩn lạc vi khuẩn thuần được quan sát trên môi trường TSA, GSP (Glutamate Starch Phenol Red Agar), nhuộm Gram, xác định hình dạng và khả năng di động của vi khuẩn; kiểm tra phản ứng oxidase, catalase, khả năng lên men và oxy hóa Glucose (O/F).

Phương pháp định danh vi khuẩn

Các chỉ tiêu về hình thái, một số chỉ tiêu về sinh lý và sinh hóa được chọn để xác định vi khuẩn phân lập được trên lươn bệnh theo các chỉ tiêu định danh vi khuẩn mô tả bởi Ruangpan and Tendencia . Hình dạng, kích thước và tính ròng của vi khuẩn được xác định bằng phương pháp nhuộm Gram. Đặc điểm sinh lý sinh hóa được xác định theo cẩm nang của Ruangpan and Tendencia và xác định loài vi khuẩn thông qua kết quả của bộ kit API 20E (BioMerieux).

1.5. Phương pháp lập kháng sinh đồ

Phương pháp làm kháng sinh đồ được thực hiện theo phương pháp của Ruangpan and Tendencia, sử dụng môi trường Mueller-Hinton Agar (MHA, Merck, Darmstadt, Germany). Chọn 12 loại kháng sinh (Bio-Rad, Marnes-la-Coquette, France): ampicillin (AM/10μg), ciprofloxacin (CIP/5μg), doxycycline (DO/30uiop[μg), enrofloxacin (ENR/5μg), florfenicol (FFC/30μg), flumequine (FM/30μg), norfloxacin (NOR/5μg), streptomycin (SM/10μg), tetracycline (TE/30μg), cefotaxime (CTX/30μg), streptomycin (S/10μg) và trimethoprim+sulfamethoxazol (SXT/1,25/23,75μg) để lập kháng sinh đồ. Sử dụng dòng vi khuẩn chuẩn Escherichia coli ATCC 25922.

Đo đường kính vòng vô trùng (mm): dựa vào chuẩn đường kính của vòng vô trùng theo tài liệu của Ruangpan and Tendencia (2004) để xác định loại kháng sinh nhạy, nhạy trung bình và kháng.

2. Phương pháp phân tích số liệu

Các số liệu được tính toán, vẽ hình, lập bảng và viết báo cáo bằng phần mềm Microsoft Excel và Microsoft Word.

3. Kết luận

Các mẫu lươn thu ở các điểm tại Vĩnh Long nhiễm 6 giống giun sán ký sinh trong ruột lươn nuôi thương phẩm gồm Camalanus, Carassotrema, Caryophyllaeus, Clonorchis, Pallisentis và Proteocephalus. Không tìm thấy ký sinh trùng ký sinh trên lươn giống. Ở lươn nuôi thương phẩm, giun tròn Camalanus có tỷ lệ nhiễm 38,9%. Giống sán dây Caryophyllaeus nhiễm 23,3%. Cường độ nhiễm sán dây Proteocephalus 3,5 giun/lươn và án dây Caryophyllaeus là 6,9 giun/lươn. `

Kết quả đã phân lập được 64 chủng vi khuẩn, 42 chủng trên lươn nuôi thương phẩm và 22 chủng trên lươn giống. Vi khuẩn được phân lập phổ biến nhất trên các mẫu thận của lươn bệnh. Định danh bằng kit API 20E đã xác định được loài vi khuẩn Aeromonas hydrophila.

Chủng vi khuẩn A. hydrophila nhạy rất cao (100%) với kháng sinh cefotaxime và florfenicol, kế tiếp là nhạy cao (83,3%) với suphamethoxazole-trimethoprim, tetracycline và doxycycline, nhưng kháng hoàn toàn với ampicillin.

Tạp chí Khoa học trường ĐH Cần Thơ (tập 59, số 4B, năm 2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài