SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát đặc điểm sinh học của hoa và quá trình phát triển trái của cây nhãn (Dimocarpus longan Lour.) không hạt được phát hiện tại tỉnh Sóc Trăng

[06/04/2024 12:10]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Bá Phú, Nguyên Quốc Sĩ - Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm ghi nhận đặc điểm sinh học hoa và sự phát triển trái của cây nhãn không hạt được phát hiện tại Sóc Trăng.

Nhãn có tên khoa học là Dimocarpus longanLour. được biết là loại trái cây có giá trị cao về đặc tính dược phẩm, dinh dưỡng và được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới (Prasad et al., 2017). Với các đặc điểm đặc trưng như cơm trái có vị ngọt, mùi thơm nhẹ, ít dính vào hạt chiếm tỷ lệ lớn trên tổng khối lượng trái và độ lớn của hạt khác nhau tùy giống. Nhãn có 4 dạng trái: trái có hạt bình thường (normal-seedy fruit), trái có hạt tiêu (hạt bị thoái hóa) (aborted-seedy fruit), trái không hạt (seedless fruit) và trái rỗng (empty fruit) (Wang et al., 2015). Những trái nhãn không hạt có tỷ lệ cơm trái cao nên thường được người tiêu dùng ưa thích hơn (Huang, 2005). Tháng 8 năm 2017, nhóm nghiên cứu Khoa Khoa học Cây trồng, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã phát hiện một cây nhãn không hạt được trồng khoảng năm 2002 tại tỉnh Sóc Trăng, cây có 91,8% trái hoàn toàn không hạt và hầu hết các đặc điểm cơ bản về hình thái thực vật thuộc nhóm nhãn Long (Phú và ctv., 2018). Để tìm ra nguyên nhân gây nên đặc tính không hạt cũng như quá trình phát triển trái của cây nhãn được phát hiện này, nghiên cứu về đặc điểm  sinh học của hoa và quá trình phát triển trái nhãn (Dimocarpus  longanLour.) không hạt phát hiện tại tỉnh Sóc Trăng đã được thực hiện.

Vật liệu dung trong nghiên cứu là cây nhãn không hạt và cây nhãn Long đối chứng cùng  được trồng khoảng năm 2002, trong cùng vườn, chăm sóc theo tập quán của nông dân. Khảo sát được thực hiện từ tháng 5 năm 2020 (khi cây ra hoa tự nhiên) đến tháng 9 năm 2020, tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Các mẫu thu được phân tích tại phòng thí nghiệm Hình thái Cây trồng, Khoa Khoa học Cây trồng, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy (i) đa số các đặc điểm sinh học của hoa cây nhãn không hạt tương đồng với cây nhãn Long, ngoại trừ một vài đặc điểm khác với cây nhãn Long như: chiều rộng phát hoa nhỏ hơn, số lượng hoa ít hơn, hoa có từ 2 đến 3 cánh và bao phấn có màu trắng so với hoa có 5 cánh và bao phấn màu vàng ở cây nhãn Long. Hạt phấn hoa đực của cây nhãn không hạt là hoàn toàn bất dục, đây có thểlà nguyên nhân gây ra đặc tính không hạt của cây nhãn không hạt; (ii) trái của cây nhãn không hạt có kích thước, khối lượng lớn hơn trái ởcây nhãn Long từ tuần thứ 2 đến thứ 6, từ tuần  thứ 9 trở về sau kích thước, khối lượng trái lại nhỏ hơn trái ở cây nhãn Long. Thịt trái của cây nhãn không hạt bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 6 và có khối lượng lớn hơn thịt trái ở cây nhãn Long đến tuần thứ 9, từ tuần thứ 11 trở về sau khối lượng thịt trái của cây nhãn không hạt nhỏ hơn cây nhãn Long. Khối lượng mài của cây nhãn không hạt ít thay đổi qua các tuần, từ tuần thứ 6 trở về sau, khối lượng mài của cây nhãn không hạt thấp hơn khối lượng hạt của cây nhãn Long. Khi thu hoạch cây nhãn không hạt có 89,0% số trái không hạt, 11,0% trái hạt tiêu và không có trái hạt chắc.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, số 1B (2023) (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài