SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lâm sàng rối loạn lo âu lan toả ở nam giới

[12/04/2024 16:49]

Các tác giả Trần Thị Hà An - Bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Văn Giáp và Phan Thị Minh Ngọc – Đại học Y Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn lo âu lan toả ở người bệnh nam điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai.

Rối loạn lo âu lan tỏa được đặc trưng bởi tình trạng lo lắng quá mức không kiểm soát được, kéo dài trên 6 tháng, kèm theo các biểu hiện căng thẳng về tâm thần, về vận động và rối loạn thần kinh thực vật. Đây là một rối loạn gặp phổ biến trong lâm sàng tâm thần học, chiếm tỷ lệ 37% trong các rối loạn lo âu được điều trị nội trú. Ở Mỹ, tỉ lệ mắc trong cả đời của rối loạn lo âu lan tỏa là 5,7%, thường gặp nhất ở lứa tuổi 45 – 59 và phổ biến ở nữ (7%) hơn nam (4%). Trong thực hành lâm sàng, chẩn đoán rối loạn lo âu lan toả gặp ở nam ít hơn ở nữ (khoảng 55 – 60% các bệnh nhân rối loạn lo âu lan toả là phụ nữ). Tuy nhiên, các biểu hiện lo âu ở nam giới thường được phát hiện muộn hơn và gây ảnh hưởng đến các chức năng và chất lượng cuộc sống nặng nề hơn so với ở phụ nữ.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang 60 bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 08/2020 đến tháng 07/2021. Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0.

Kết quả cho thấy, 60% bệnh nhân không nhận thấy có sang chấn tâm lý rõ ràng. Thời gian mắc bệnh trung bình 15,57 ± 13,9 tháng; các triệu chứng của lo âu hay gặp nhất là khó ngủ vì lo lắng (98,3%), bồn chồn (96,7%), hồi hộp, trống ngực (96,7%), vã mồ hôi (90%), dễ giật mình (78,3%), run (75%), cơn nóng cơn lạnh (56,7%); bệnh thường nặng lên vào buổi chiều (66,7%). Với kết quả trên cho thấy chứng rối loạn lo âu lan tỏa ở nam giới xuất hiện ít liên quan với các sang chấn tâm lý, diễn biến kéo dài, với biểu hiện nổi trội trên lâm sàng là các triệu chứng kích thích thần kinh thực vật và triệu chứng toàn thân.

Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 537 Số 1 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài