SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ứng dụng tư liệu ảnh vệ tinh độ phân giải cao và các mô hình lý thuyết để thành lập bản đồ các vùng có nguy cơ trượt lở đất ở khu vực miền núi

[10/07/2012 09:32]

Trượt lở đất là dạng tai biến thiên nhiên phổ biến và hết sức nguy hiểm đối với dân cư sinh sống ở các khu vực vùng núi. Hàng năm, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước vùng nhiệt đới như Nam Á: Inđônêxia, Philipin, Thái Lan... luôn xảy ra các vụ trượt lở đất nghiêm trọng, gây ra những tổn thất vô cùng to lớn về người và tài sản.

(Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, hàng năm thiên tai do trượt lở đất gây ra ở các vùng núi đã gây thiệt hại rất lớn về người và của, làm chết hàng trăm người. Đặc điểm của trượt lở đất là xảy ra bất ngờ, trong thời gian ngắn, làm cho người dân không kịp ứng phó.

Do vậy, việc dự báo, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất là công việc quan trọng và cần thiết đối với các cấp quản lý và người dân trong vùng có nguy cơ chịu thiệt hại do trượt lở đất gây ra. Để giảm thiểu và hạn chế thiệt hại do trượt lở đất gây ra, các nước có trình độ tiên tiến đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trên cơ sở sử dụng hệ thống trang thiết bị cảnh báo tiên tiến kết hợp sử dụng dữ liệu bản đồ được xây dựng bằng phương pháp viễn thám và GIS.

Với mong muốn ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS  trong dự báo và cảnh báo nguy cơ trượt lở đất hiệu quả và có thể ứng dụng vào thực tế,  Trung tâm Viễn thám quốc gia đã được giao chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ có tên gọi: “Nghiên cứu ứng dụng tư liệu ảnh vệ tinh độ phân giải cao và các mô hình lý thuyết để thành lập bản đồ các vùng có nguy cơ trượt lở đất ở khu vực miền núi”, chủ nhiệm của đề tài là Thạc sĩ Nghiêm Văn Tuấn.

Mục tiêu của đề tài gồm có: Nghiên cứu ứng dụng tư liệu ảnh viễn thám kết hợp với các mô hình lý thuyết để thành lập bản đồ nguy cơ trượt lở đất; Thử nghiệm xác định mô hình toán học thích hợp đối với điều kiện thực tế ở Việt Nam; Nghiên cứu khả năng ứng dụng tư liệu ảnh vệ tinh Alos/PRISM để thành lập mô hình số địa hình phục vụ phân tích đánh giá nguy cơ trượt lở đất.

Đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng phương pháp viễn thám và công nghệ GIS kết hợp các mô hình toán học để thành lập bản đồ các vùng có nguy cơ trượt lở đất: Mô hình thống kê, mô hình SINMAP… Tư liệu sử dụng trong nghiên cứu gồm ảnh vệ tinh SPOT5, ảnh ALOS/ Avenir, ALOS/ Prism, bản đồ địa chất, địa mạo, số liệu đo mưa.. Các dữ liệu này được sử dụng trực tiếp làm các dữ liệu đầu vào của các mô hình toán học hoặc sử dụng để tách chiết các thông số đầu vào của các mô hình…

Với các phân tích đánh giá về cơ sở lý thuyết cũng như thực hiện những thử nghiệm cụ thể đối với các phương pháp nghiên cứu khác nhau trong đề tài, trên cơ sở hiện trạng tư liệu hiện có và khả năng thu thập tư liệu, có thể rút ra một số kết luận sau:

-   Ảnh vệ tinh độ phân giải cao đáp ứng được các yêu cầu về thành lập bản đồ nguy cơ trượt lở đất.

-  Các mô hình đã sử dụng có độ tin cậy khác nhau, trong đó mô hình Thống kê và mô hình Trọng số bằng chứng là các mô hình có thể sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trọng là ảnh vệ tinh độ phân giải cao và công cụ hiện đại là GIS…

- Về mô hình SINMAP không mang lại hiệu quả khi thực hiện với phương pháp viễn thám, độ chính xác của bản đồ có nguy cơ trượt lở đất thấp.

Với việc ứng dụng phương pháp viễn thám và GIS kết hợp mô hình toán học mở ra khả năng tự động hóa quy trình công nghệ thành lập bản đồ nguy cơ trượt lở đất, giúp cho việc thực hiện các công tác cảnh báo nhanh hơn và chính xác hơn.

Có thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 7064/2009) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).

Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài