SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu công nghệ sản xuất rượu vang chất lượng cao tại Việt Nam

[13/07/2012 10:41]

Rượu vang là một sản phẩm đồ uống dạng có cồn được lên men từ quả nho hoặc nước quả nho, ngoài ra rượu vang còn có thể được làm từ một số loại trái cây khác.

Ảnh minh họa

Rượu vang có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon và có lợi cho sức khỏe con người khi sử dụng điều độ.

Mặc dù rượu vang đã được người Việt Nam biết đến thông qua con đường du nhập từ châu Âu nhưng công nghệ sản xuất rượu vang mới thực sự phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước với sự ra đời của vang Thăng Long, vang Hồng Hà, sản phẩm chủ yếu là vang ngọt. Từ năm 1990 đến nay, các chủng loại rượu vang cũng đa dạng hơn nhưng chất lượng vẫn còn khoảng cách khá xa so với vang ngoại nhập. Rượu vang sản xuất trong nước có chất lượng chưa cao do nhiều nguyên nhân: Rượu vang được sản xuất chủ yếu từ các loại dứa, vải, mơ, sơn tra, nho Cardinal hoặc là kết hợp giữa chúng, tuy nhiên các nguyên liệu này chưa đáp ứng được yêu cầu về độ ngọt và độ chua; Công nghệ sản xuất còn nhiều hạn chế; Kinh nghiệm phối chế các thùng vang còn thiếu; Xử lý rượu trong quá trình ngâm ủ, lên men, tàng trữ chưa phù hợp; Thiếu nhân lực có trình độ cao cũng như kinh nghiệm lâu năm trong nghề.

Để góp phần vào việc nâng cao chất lượng rượu vang trong nước, năm 2008, Viện Công nghiệp Thực phẩm đã được Bộ KH&CN xét duyệt đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất rượu vang chất lượng cao tại Việt Nam”.  Đây là đề tài Nghị định thư hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Nhóm tác giả đề tài gồm có chủ nhiệm đề tài là Tiến sĩ Trương Hương Lan – chủ nhiệm Bộ môn Thực phẩm và Dinh dưỡng cùng các cán bộ đang công tác tại Viện Công nghệ Thực phẩm cùng tham gia thực hiện. Mục tiêu của đề tài là: “Xây dựng được quy trình công nghệ và tạo ra sản phẩm rượu vang đỏ và rượu vang trắng chất lượng cao tại Việt Nam”. Mục tiêu của đề tài gồm có:

-       Nghiên cứu chọn lựa nguyên liệu nho thích hợp cho sản xuất rượu vang chất lượng cao tại Việt Nam.

-       Nghiên cứu sử dụng enzym pectinaza cho quá trình trích ly dịch quả.

-       Nghiên cứu tuyển chọn chủng nấm men thích hợp cho quá trình lên men rượu vang.

-       Nghiên cứu tuyển chọn chủng vi khuẩn malolactic thích hợp cho quá trình lên men malolactic.

-       Nghiên cứu xác định các điều kiện tối ưu của quá trình lên men rượu và quá trình lên men malolactic.

-       Nghiên cứu sử dụng mảnh gỗ sồi cho quá trình tàng trữ rượu vang để sản phẩm có hương thơm đặc trưng.

-       Nghiên cứu sản xuất rượu vang ở qui mô thực nghiệm, tạo sản phẩm rượu vang đỏ và rượu vang trắng.

-       Chuyển giao công nghệ sản xuất rượu vang chất lượng cao cho một số doanh nghiệp sản xuất rượu vang ở Việt Nam

Có thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 8743/2011) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).

Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài