SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu một số bệnh hại chính trên địa lan và đề xuất biện pháp phòng trừ tại Sa Pa, Lào Cai.

[30/10/2012 07:53]

Đề tài do nhóm tác giả Bùi Thị Duyên (Chi cục Bảo vệ Thực vật Lào Cai) và Nguyễn Văn Tuất (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện nhằm nghiên cứu về bệnh hại và biện pháp phòng trừ bệnh trên địa lan, mở rộng vùng sản xuất và tạo thương hiệu riêng cho hoa địa lan ở Sa Pa.

Ảnh minh họa

Địa lan (Cymbidium) là một trong những loài cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Địa lan phân bố ở một số vùng núi của Việt Nam chẳng hạn ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Hiện nay, sản lượng hoa địa lan ở Sa Pa vẫn chưa đủ cung cấp cho nhu cầu rộng lớn của thị trường. Trong khi đó, người nông dân trồng địa lan ở Sa Pa đang phải đối mặt với bệnh thối làm chết cây và một số bệnh hại khác đang hoành hành đã làm giảm một lượng lớn số chậu địa lan hiện có ở Sa Pa. Tình trạng bệnh thối làm chết cây và một số bệnh hại khác trên cây địa lan hiện nay vẫn chưa được khống chế do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và chưa tìm ra được các loại thuốc đặc trị hữu hiệu.

Nghiên cứu về sự hiện diện của thành phần và mức độ bệnh hại hoa địa lan tại Sa Pa cho thấy, trong số 13 loài địa lan được trồng ở vùng Sa Pa thì các giống chủ yếu là địa lan Kiếm Thu Vàng, địa lan Kiếm Hồng Hoàng và địa lan Kiếm Trần Mộng Xuân. Đã điều tra và phát hiện được 8 loại bệnh hại trên 13 loài địa lan tại Sa Pa. Các bệnh hại phổ biến, thường xuyên bắt gặp trên địa lan Sa Pa là bệnh thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora) và bệnh thán thư (Collectotrichum crassipes).

-   Bệnh thối nhũn vi khuẩn phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện trồng không có mái che vào khoảng tháng 6, 7 (tỷ lệ bệnh > 45%) trong năm do ẩm độ không khí cao, mưa nhiều; vào những tháng lạnh thì bệnh ít gây hại.

-  Bệnh thán thư hại mạnh vào các tháng 5, 6 (tỷ lệ bệnh > 40%) trong điều kiện trồng không có mái che và giảm dần khi trời se lạnh vào các tháng mùa đông.

Để phòng trừ bệnh hại trên địa lan, ngoài các biện pháp kỹ thuật canh tác và sư dụng giá thể, lúc cần thiết phải sử dụng một số thuốc trừ nấm, vi khuẩn để phòng trừ bệnh. Thuốc Score 250EC và Rhodomil 68 WG có hiệu lực cao trừ bệnh thán thư hại địa lan. Thuốc Starner 20 WP và Visen 20 SC có hiệu lực cao phòng trừ bệnh thối nhũn vi khuẩn.

Theo Tạp chí NN&PTNT, số 17/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài