SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của thành ngữ - tục ngữ trong phú tiếng Việt

[30/10/2012 09:13]

Phú là một thể loại của văn học Trung Hoa cổ du nhập vào Việt Nam và được xem là một trong những thể loại bác học nhất. Tìm hiểu một số thể loại văn vần dân gian trong phú tiếng Việt sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa một số thể tài văn học dân gian với một thể loại văn học ngoại nhập- thể phú; từ đó có them cứ liệu để khẳng định mối quan hệ hai chiều mật thiết giữa văn học viết và văn học dân gian Việt Nam.

Nghiên cứu do giảng viên Trần Hoàng Anh , Khoa Khoa học, Xã hội và Nhân văn trường Đại học Đồng Tháp thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của một số thể loại văn vần dân gian trong Phú tiếng Việt mà cụ thể là thành ngữ và tục ngữ. Qua đó, chỉ ra một mối quan hệ giữa văn học  viết và văn học dân gian Việt Nam.

Tư liệu khảo sát là công trình Phú Việt Nam cổ và kim của Phong Châu, Nguyễn Văn Phú. Trong cuốn này, tác giả chỉ chọn những bài Phú tiếng Việt có tác giả (phú không khuyến danh). Đây là tuyển tập những bài phú được phiên âm ra quốc ngữ khá sớm. Cuốn sách tập hợp được một số lượng tác phẩm phong phú của nhiều tác giả, nhiều thời kỳ.

Trong 40 bài phú tiếng Việt thuộc diện khảo sát, tác giả đã thống kê được 420 lượt sử dụng loại chất liệu gồm: 386 lượt sử dụng thành ngữ, tục ngữ thuần Việt, 34 lượt sử dụng thành ngữ, tục ngữ Hán – Việt, Trung bình mỗi bài sử dụng 10,5 lượt các thành ngữ, tục ngữ. Số thành ngữ, tục ngữ này gồm từ 3 đến 8 chữ.

Theo thống kê của tác giả, trong phú cổ và phú mới có sự khác nhau về tỷ lệ sử dụng thành ngữ, tục ngữ. Trong tổng số 420 lượt sử dụng thành ngữ, tục ngữ thì phú mới có tới 256 lượt chiếm 61%. Số còn lại 164 lượt sử dụng chiếm 39% là phú cổ. Trung bình mỗi bài phú mới sử dụng 17,1 lượt các thành ngữ, tục ngữ; còn mỗi bài phú cổ sử dụng 6,6 lượt. Như vậy, tỷ lệ sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong phú mới gần gấp ba phú cổ.

Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong phú tiếng Việt không hề “tự nhiên nhi nhiên” mà thực sự theo yêu cầu của hoạt động sáng tạo nghee65 thuật. Biểu hiện của điều này là lượng thàng ngữ, tục ngữ có mặt trong các bài phú không đồng đều.

Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ làm tăng giá trị nghệ thuật cho câu văn phú tiếng Việt. M.Gorki gọi ngôn ngữ hàng ngày là tiếng nói “nguyên liệu” và ngôn ngữ nghệ thuật là tiếng nói đã được bàn tay người thợ nhào luyện. Thành ngữ, tục ngữ chính là bộ phận ngôn ngữ hàng ngày mang tính nghệ thuật đó. Nghĩa của chúng hết sức cô đọng và khái quát. Sử dụng loại chất liệu này câu văn phú sẽ thêm cô đọng và súc tích.

Thành ngữ, tục ngữ có tính ổn định tương đối, có thể đảo các yếu tố mà nghĩa không thay đổi; bởi vậy, vừa có thể đáp ứng được yêu cầu về ý nghĩa, vừa đáp ứng được yêu cầu về khuôn vần (khuôn âm, thanh điệu) theo yêu cầu chặt chẽ của phép làm phú.

Thành ngữ, tục ngữ cũng rất giàu nhạc tính. Trong tục ngữ có đủ các loại vần liền, vần cách,, vần chính, vần thông. Trong vần cách có đủ các loại vần cách từ 1 chữ (âm tiết) đến 6 chữ. Khi người viết phú sử dụng chất liệu vần điệu như vậy, câu văn phú sẽ được làm giàu về phương diện nhạc tính.

Như vậy, quan hệ giữa một số thể loại văn vấn dân gian với phú tiếng Việt thoạt đầu tưởng như là mối quan hệ giữa những “người bà con xa” nhưng đi sâu vào tìm hiểu lại thấy đây là quan hệ hai chiều hết sức gần gũi. Nhiều tác phẩm phú tiếng Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn vần dân gian về ngôn ngữ, tư duy, cảm xúc. Tuy nhiên có sự khác nhau ở từng bài và từng giai đoạn phát triển của phú.
TCKH số 05 (6/2012) Trường ĐH Trà Vinh
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài