SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tìm thương hiệu cho cam sành Ngã Bảy

[23/11/2012 08:31]

Những năm gần đây, ở TX.Ngã Bảy, cây cam sành được nhiều người trồng vì đất đai phù hợp. Bên cạnh việc quy hoạch lại vùng trồng, địa phương đang hướng đến xây dựng thương hiệu cam sành Ngã Bảy. Tuy nhiên, con đường xây dựng thương hiệu không phải ngày một ngày hai.

Cam sành Ngã Bảy có hương vị đậm đà và màu sắc trái đẹp.

* Hiệu quả cao

Ông Lê Hoàng Ấu, Trưởng trạm Khuyến nông TX.Ngã Bảy cho biết: Sau khi chia tách, toàn thị xã có 2.668ha đất trồng cây ăn trái, trong đó diện tích cây có múi là 1.367ha thì diện tích cây cam sành, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh là 885ha. Đến nay, diện tích chuyên canh trồng cam sành đã lên khoảng 1.200ha. Sự gia tăng diện tích nhanh nhóng do bà con chuyển từ đất trồng xoài, vườn tạp sang cam sành từ năm 2009, khi giá cam sành còn 10.000-15.000 đ/kg. Đối với các nhà vườn, hộ trồng ít nhất là 7.000m2, sản lượng thu hoạch bình quân đạt 20 tấn/ha. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh và thị xã, vùng TX.Ngã Bảy rất thuận lợi cho cây cam sành phát triển do đất đai màu mỡ, nhiều phù sa, có đê bao khép kín, đây là điều kiện làm cho cam sành có mẫu mã đẹp và chất lượng trái ngon.

Gắn bó với cây cam sành 7 năm qua, ông Đặng Văn Na, ở khu vực 7, phường Ngã Bảy tâm sự: Cam sành là loại cây trồng không dễ. Muốn đạt năng suất cao ngoài việc biết kỹ thuật thì đất đai phải phù hợp. Do đất ở nơi đây là loại “đất sét gan rùa” nên khi có mưa thì nước rút xuống rất nhanh, sẽ cho cây tươi tốt hơn. So với cam sành trồng ở những nơi khác, màu sắc trái được trồng ở Ngã Bảy từ bằng tới hơn, chất lượng cam ngọt và thơm hơn. Điểm đặc biệt là cam sành có thể cho trái quanh năm, nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, lợi nhuận thu được từ 100-200 triệu đồng/ha.

Trên diện tích canh tác 2,6ha, trong đó trên 2,1ha vườn xoài xen bưởi Năm Roi, ông Huỳnh Hoàng Anh, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành từ năm 2008 đã quyết định phá hết xoài để chuyển sang trồng cam sành chuyên canh 1,5ha. Vụ đầu tiên ông thu hoạch được 20 tấn trái, bán giá 15.000 đ/kg, thu được 300 triệu đồng, trừ chi phí còn trên 150 triệu đồng. Thấy lợi nhuận cao, ông cho cải tạo lại hết diện tích đất để trồng thêm 3.000 cây cam sành đã hơn 1 năm tuổi đang hứa hẹn cho mùa bội thu vào những năm tới.

* Tiến đến xây dựng thương hiệu

Tháng 5-2011, Phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy kết hợp với UBND xã Tân Thành đã tiến hành khảo sát vùng trồng cam sành ở ấp Đông Bình và Bảy Thưa. Đây là một trong 6 xã, phường trồng cam sành nhiều nhất của thị xã. Mục đích khảo sát lần này, nhằm nắm lại tình hình trồng cam sành trên toàn thị xã để có hướng xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm.

Qua khảo sát, hầu hết người dân trồng cam sành ở Ngã Bảy thời gian qua đều theo hình thức tự phát, chưa thực hiện quy trình GAP, chưa có mô hình trồng hay thành lập được HTX cam sành có quy mô để tiến đến xây dựng thương hiệu cho cam sành Ngã Bảy, trong khi đầu ra sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Đây là vấn đề hạn chế lớn nhất cho con đường xây dựng thương hiệu cam sành Ngã Bảy hiện nay. Theo ngành chức năng TX.Ngã Bảy, mặc dù, cam sành Ngã Bảy có mẫu mã đẹp, chất lượng có thể cạnh tranh với các địa phương khác và tạo được thương hiệu riêng trên thương trường, nhưng muốn xây dựng thương hiệu thì cần nhiều thời gian và sự quan tâm của các ngành, nhà chuyên môn thì thương hiệu cam sành Ngã Bảy mới có thể tạo dựng được tên tuổi trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Huỳnh Hoàng Anh, khó khăn hiện nay của các nhà vườn là đầu ra của sản phẩm, vì hầu hết các nhà vườn tự tìm thị trường, tự tìm thương lái. Hiện nay, chưa có doanh nghiệp hay nhà máy chế biến nào đến thu mua, cho nên nhà vườn thường bị thương lái ép giá dẫn đến lợi nhuận bị thấp. Dù các nhà vườn đã tiếp cận được quy trình sản xuất mới theo tiêu chuẩn GAP, nhưng để tạo dựng được thương hiệu, cần các nhà khoa học hướng dẫn trong thực hiện quy trình và các nhà doanh nghiệp phải vào cuộc để bao tiêu sản phẩm cho nông dân thì thương hiệu cam sành mới phát triển bền vững được.

Ông Lê Hoàng Ấu, Trưởng trạm Khuyến nông TX.Ngã Bảy cho biết, sẽ hướng dẫn các nhà vườn ghi chép sổ sách để tiến tới thực hiện theo tiêu chuẩn GAP. Trước tiên sẽ triển khai thực hiện mô hình GAP thí điểm trên diện tích 30ha ở xã Tân Thành, sau đó mới nhân rộng diện tích ở một số vùng trồng cam lân cận của thị xã. Song song với xây dựng thương hiệu, thị xã sẽ quy hoạch vùng trồng cam sành ở những vùng đất thích hợp, chủ yếu tập trung vào 2 xã Tân Thành và Đại Thành. Bên cạnh đó, liên kết các công ty để tìm đầu ra sản phẩm để nhà vườn yên tâm sản xuất.

Trưởng phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy Lê Hùng Chiến, cho rằng: Do trồng tự phát nên chưa có hướng dẫn cụ thể cho nông dân từ khâu giống đến kỹ thuật, nguồn gốc giống. Do đó, để phát triển cây cam sành đạt tiêu chuẩn, phòng đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh mở các lớp tập huấn đối với các nhà vườn có diện tích cam sành đang cho trái trồng theo tiêu chuẩn GAP. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu cam sành, đòi hỏi phải có thời gian, nhưng trước hết là tạo ý thức cho bà con chú ý khâu chất lượng trái. Theo kế hoạch, thị xã sẽ hỗ trợ cây giống cam sành sạch bệnh 30ha cho các nhà vườn, đồng thời hoàn tất các thủ tục để thông qua quy hoạch vùng trồng cam sành của thị xã trong thời gian tới,…

Báo Hậu Giang (dtphong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài