SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bón phân cho lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long

[30/03/2013 22:51]

Nghiên cứu do PGs.Ts. Phạm Sỹ Tân và Ts. Chu Văn Hách thực hiện nhằm mục tiêu cập nhật và đánh giá những kết quả nghiên cứu, những giải pháp khả thi hữu ích, những lựa chọn đầu tư thông minh để có cái nhìn tổng quan về phân bón cho lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay và những hạn chế cần phải khắc phục để không ngừng gia tăng năng suất lúa toàn vùng một cách bền vững.

1. Giới thiệu

Hiện nay, việc áp dụng quy trình kỹ thuật “Thâm canh tổng hợp” trong sản xuấtlúa cao sản rất phổ biến, đặc biệt áp dụng tiến bộ kỹ thuật “3 Giảm - 3 Tăng” như là một giải pháp chính trong chỉ đạo sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, năng suất lúa hiện vẫn còn khác biệt lớn giữa các hộ nông dân, nguyên nhân chính là do: (1) vẫn còn sử dụng hạt giống kém chất lượng, (2) bón phân còn mất cân đối và không đáp ứng đúng yêu cầu của cây, (3) sâu bệnh phá hoại nhưng phòng trị không kịp thời hoặc không hiệu quả (4) tưới tiêu không chủ động, nhiều khi không đủ nước tưới và (5) môi trường bị thoái hóa do sử dụng phân bón, hóa chất còn sai sót.

Năng suất lúa vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua liên tục gia tăng từ 4,23 t/ha năm 2000 tăng lên 5,04 t/ha năm 2005; 5,47 t/ha năm 2010 và hiện nay năng suất trung bình cả năm là 5,67 t/ha (Tổng cục thống kê, tháng 11/2012). Năng suất lúa của Việt Nam đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á, tốc độ tăng năng suất hàng năm khá cao, cao hơn rất nhiều so với tốc độ gia tăng năng suất lúa thế giới, đặc biệt từ năm 2000 đến nay. Hiện nay, năng suất bình quân lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL đạt 6,69 t/ha và Hè Thu đạt 5,19 t/ha. Thực tế vụ Đông Xuân rất nhiều hộ nông dân đã đạt 8,5 t/ha và vụ Hè Thu đạt 6,5 t/ha. Như vậy, cơ hội để đẩy năng suất lúa bình quân vùng ĐBSCL lên cao hơn nữa vẫn còn, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Vai trò của phân bón hết sức quan trọng trong thâm canh tăng năng suất lúa. Không có phân bón là không có năng suất gia tăng. Trong 3 nguyên tố phân đa lượng N, P, K trong thâm canh lúa ở ĐBSCL thì phân N góp phầm làm tăng năng suất khoảng 40-45%, phân lân góp phần khoảng 20-30% và phân kali góp phần khoảng 5-10% (Phạm Sỹ Tân, 2008). Bón phân cân đối, bón theo nhu cầu của cây mới là cách tốt nhất để vừa đạt năng suất cao, vừa có hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường trong lành lâu dài như mục tiêu chúng ta phấn đấu.

 

2. Thực trạng khuyến cáo và sử dụng phân bón cho lúa ở ĐBSCL

Cây lúa phản ứng rất tốt với phân đạm, tuy nhiên chúng phụ thuộc rất nhiều tới điều kiện thời tiết khí hậu và môi trường đất đai. Đối với đất phù sa ngọt ĐBSCL, là vùng lúa chủ lực cho năng suất rất cao và phản ứng với phân đạm cũng rất cao, phân đạm được khuyến cáo sử dụng khoảng 100-120 kg N/ha trong vụ Đông Xuân và 80-100 kg N/ha trong vụ Hè Thu. Nhưng thực tế người dân đã sử dụng cao hơn mức khuyến cáo này, đặc biệt trong vụ Hè Thu người dân còn sử dụng cao hơn cả vụ Đông Xuân. Đối với đất phèn ở vùng Tứ Giác Long Xuyên, Tây Sông Hậu và Đồng Tháp Mười, phân đạm được khuyến cáo bón thấp hơn so với vùng phù sa. Vụ Đông Xuân bón 80-100 kg N/ha và vụ Hè Thu bón 60-80 kg N/ha. Ngoài hai vùng lúa chính này, một phần nhỏ diện tích lúa ở ven biển từ Long An đến Cà Mau chủ yếu trồng lúa mùa, lượng đạm khuyến cáo bón khoảng 30-50 kg N/ha (Phạm Sỹ Tân, 2001 và 2005).

Phân lân và kali đã được chú ý nghiên cứu trong những năm từ 1985-2000, với mục tiêu là nâng cao hiệu quả của lân và kali. Phân lân được khuyến cáo bón trong khoảng 40-80 kg P2O5/ha sẽ cho năng suất cao và hiệu đầu tư cao. Bón thấp hơn mức này năng suất sẽ bị ảnh hưởng và làm làm giảm hiệu quả phân đạm. Bón cao hơn năng suất cũng không tăng thêm. Bón càng tăng thì hiệu quả đầu tư phân lân càng giảm (Phạm Sỹ Tân và Nguyễn Văn Luật, 1995). Tùy theo đất, lân cho lúa được khuyến cáo bón khác nhau. Đất phù sa bón 40-60 kg P2O5/ha, đất phèn từ 60-80 kg P2O5/ha. Lân được khuyến cáo bón lót trước khi sạ nếu là phân lân khó tan như lân nung chảy và bón thúc khoảng 7-10 ngày sau sạ (NSS) nếu là phân dễ tan như DAP, lân super. Trên đất phèn, do độc tố sắt, nhôm cao cho nên phân lân còn được khuyến cáo bón thêm một lần tiếp theo vào khoảng 25NSS. Nhu cầu phân lân trong vụ Hè Thu thường cao hơn vụ Đông Xuân, vì đầu vụ Hè Thu nắng nóng và khô hạn lân bị cố định cho nên lân dễ tiêu trong đất rất thấp không đáp ứng đủ nhu cầu của cây. Ngược lại trong vụ Đông Xuân đầu vụ đất ngập nước suốt 3 tháng trước khi vào vụ, lân dễ tiêu được phóng thích nhiều trong điều kiện ngập nước cho nên cung cấp được nhiều hơn. Nhu cầu lân từ đầu vụ là rất lớn, thiếu lân hoặc bón trễ, cây phát triển chậm và làm giảm năng suất. Vì vậy, trong vụ Hè Thu phải bón nhiều lân hơn và bón sớm để cung cấp đủ nhu cầu của cây ngay từ giai đoạn đầu (Phạm Sỹ Tân, 2005 và 2008; Mai Thành Phụng et al., 2005).  Hiệu lực của kali đối với lúa ở ĐBSCL thể hiện không rõ.

Hiệu lực của kali đối với lúa ở ĐBSCL thể hiện không rõ. Do vậy, trước đây người ta không chú ý đến bón kali. Trong 10 năm trở lại đây, nhất là từ khi thực hiện chương trình 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, nông dân ĐBSCL đã thay đổi dần tập quán bón kali. Hiện nay kali được khuyến cáo bón ở liều lượng 30-50 kg K2O/ha. Ở liều lượng này chỉ mới đáp ứng duy trì hàm lượng kali trong đất.

Trong 20 năm (từ 1991-2011) ghi nhận nhu cầu đầu tư phân bón cho lúa đã tăng lên rất đáng kể (Bảng 4). Với phân đạm, nhu cầu ước tính khoảng 200.000 tấn N (năm 1991) tăng lên 334.000 tấn N (năm 2001) và hiện nay khoảng 395.000 tấn N (năm 2011). Nhu cầu phân lân và kali cũng tăng lên rất lớn. Đặc biệt là giai đoạn thập niên 1991-2001.

Thực trạng bón phân cho lúa mất cân đối trong giai đoạn trước năm 1995 là rất phổ biến (Bùi Đình Dinh, 1995). Người dân chủ yếu chú ý đầu tư nhiều phân đạm, phân lân và kali không được chú ý đúng mức, đặc biệt là phân kali. Rất nhiều hộ không bón kali cho lúa. Trong giai đoạn này, tỷ lệ lúa mùa địa phương tại ĐBSCL còn khá lớn và cũng chính vì vậy mà lân và kali đã không được chú ý đầu tư. Giai đoạn từ 1995 trở về sau, diện tích sử dụng giống lúa cao sản thay cho lúa mùa được gieo sạ nhiều hơn, người dân vì thế đã chú ý đến đầu tư phân lân và kali để gia tăng năng suất. Mặt khác phân hỗn hợp NPK trong giai đoạn này được sản xuất trong nước khá nhiều, nhất là từ sau năm 2000 phân chuyên dùng được giới thiệu rộng rãi, nhờ đó mà phân bón cho lúa được đầu tư cân đối hơn.

Hiện nay, ở ĐBSCL với diện tích gieo trồng lúa đạt xấp xỉ 4 triệu ha hàng năm, khả năng tăng diện tích cao hơn là rất khó. Với diện tích lúa ổn định thế này thì hàng năm nhu cầu phân bón cho lúa ở vùng này cũng sẽ ổn định con số ước lượng là 400.000 tấn N, 200.000 tấn P2O5 và 200.000 tấn K2O.

3. Giải pháp nâng cao hiệu lực phân bón cho lúa

Trước năm 1995, các nghiên cứu trong lĩnh vực đất-phân cho lúa đã tập trung tìm các giải pháp làm giảm thất thoát đạm, nâng cao hiệu quả sử dụng phân đạm và phân bón nói chung, đã đề xuất nhiều giải pháp như dùng urê viên dúi gốc, dùng các chất liệu bọc urê như lưu huỳnh, khô dầu neem, cao su, nhựa..., tuy nhiên những giải pháp này đến nay vẫn rất khó đưa ra ứng dụng trên đồng ruộng, chủ yếu do hiệu quả kinh tế đem lại thấp, thậm chí thua lỗ vì chí phí đội thêm quá cao. Từ 1995 đến nay các nghiên cứu chuyển hướng sang bón phân cân đối và bón phân theo nhu cầu của cây để gia tăng năng suất và hiệu quả nông học.

Hàng loạt các sản phẩm phân bón hổn hợp NPK và phân chuyên dùng được nghiên cứu một cách bài bản, có tỷ lệ NPK phù hợp cho mỗi loại cây trồng, cho từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu bón phân cân đối cho các cây trồng chính hiện nay. Tuy nhiên sử dụng phân hỗn hợp NPK và phân chuyên dùng nói chung vẫn còn hạn chế là tăng giá thành lên cao hơn so với dùng phân đơn. Để khắc phục hạn chế này, giải pháp phối hợp sử dụng cả phân đơn và phân hỗn hợp NPK đã được nhiều người chấp nhận. Cụ thể, dùng phân hỗn hợp NPK bón căn bản trong lần 1, giai đoạn 7-10NSS và lần 2, giai đoạn 20-23NSS. Phân đơn bón lót trước khi sạ (bón lót lân cho vùng phèn), bón bổ sung thêm đạm urê trong lần 2 và lần 3 (40-42NSS) theo bảng so màu lá. Áp dụng giải pháp này chi phí phân bón nhẹ hơn và lợi nhuận được nâng cao (Phạm Sỹ Tân, 2005).

Để gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa một cách bền vững, IRRI theo đuổi chương trình nghiên cứu bón phân theo nhu cầu của cây trong suốt 15 năm từ 1995 đến 2010. Một số nước châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia và phối hợp chặt chẽ trong chương trình này (Buresh, 2010b). Trong quá trình nghiên cứu tìm kiếm giải pháp mới với mục tiêu đẩy năng suất lúa lên cao hơn, đầu tư phân bón hợp lý và tiết kiệm chi phí hơn, lợi nhuận cho người trồng lúa được nâng cao và giảm thiểu rủi ro cho môi trường do sử dụng phân bón hóa học. Với mục tiêu như vậy, đòi hỏi phải có những giải pháp mới, phải thay đổi cách thức quản lý phân đạm cho cây lúa, thay đổi khuyến cáo bón phân cố định một liều lượng cho cả vùng rộng lớn đã tồn tại nhiều năm từ 1995 trở về trước. Bón phân theo nhu cầu của cây có đầy đủ cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn trong việc xác định lượng phân cần thiết cho cây căn cứ theo điều kiện đất đai, nước tưới, khí hậu thời tiết, mùa vụ và cả giống lúa cụ thể được khuyến cáo cho từng cánh đồng tại mỗi địa phương để đạt năng suất cao với đầu tư phân bón hợp lý. Với khuyến cáo bón phân như vậy sẽ giúp người trồng lúa có cơ sở tin tưởng đầu tư phân bón là hợp lý nhất để đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế cao.

4. Kết luận

Nghiên cứu và khuyến cáo bón phân cho lúa ở ĐBSCL trải qua chặng đường hơn 30 năm, tạm thời tính từ điểm khởi đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, thời gian đủ dài để đánh giá thành công và thất bại; đánh giá những hạn chế trong chặng đường vừa qua để thay đổi, để tiếp tục làm mới và phát triển theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp của vùng cũng như của cả nước ngày càng cao. Những thành tựu nghiên cứu và khuyến cáo phân bón cho lúa ở ĐBSCL có thể nói một điều đã được khẳng định chắc chắn rằng: “những TBKT về bón phân cho lúa là sát với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, cập nhật thành tựu nghiên cứu khoa học tiến tiến của khu vực và thế giới”.

Trước mắt, rất cần khuyến cáo áp dụng rộng rãi những thành tựu mới đã thu được trong thời gian vừa qua. Cố gắng thu hẹp khoảng cách năng suất giữa các hộ sản xuất yếu kém với các hộ tiên tiến để đẩy năng suất lúa bình quân toàn vùng lên cao hơn nữa. Cần thiết xây dựng nhiều mô hình sản xuất liên kết nhiều hộ nông dân theo cánh đồng mẫu lớn để thành tựu mới đến được với mọi nhà.

Trong tương lai, vẫn rất cần những nghiên cứu chiều sâu và áp dụng công nghệ tiên tiến cho ngành sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL. Việc đào tạo thêm nguồn nhân lực tốt cho lĩnh vực nghiên cứu đất - phân bón là rất cần thiết và cũng cần phải duy trì các chương trình hợp tác nghiên cứu về phân bón trong nước, trong khu vực và thế giới.

Hội thảo QG về NCHQ quản lý và sử dụng phân bón tại VN T3-2013
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài