SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá chất lượng đất than bùn U Minh qua một số chỉ tiêu lý, hóa học

[21/04/2013 22:50]

Nghiên cứu do tác giả Đỗ Đình Hải và nhóm cộng sự (Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp) đồng thực hiện nhằm đánh giá thực trạng chất lượng đất than bùn ở 2 mỏ lớn nhất vùng ĐBSCL thông qua các đặc tính hóa, lý học chủ yếu.

Vườn quốc gia U Minh Hạ

Đánh giá thực trạng đất than bùn U Minh là một trong những nhiệm vụ được thực hiện trong khuôn khổ của đề tài “Nghiên cứu chỉnh lý bản đồ đất ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng tỷ lệ 1/250.000”.

Tính đến năm 2009, đất than bùn U Minh còn khoảng 18.000-19.000 ha, tương đương 0,44-0,47% diện tích tự nhiên (DTTN), và 69,2-70,4% diện tích đất than bùn toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Gần đây, đã có một số kết quả điều tra, nghiên cứu, đánh giá lại quy mô diện tích và trữ lượng than bùn ĐBSCL. Với 2 mỏ than bùn U Minh, các kết quả điều tra nghiên cứu đã cung cấp nhiều thông tin cụ thể, thiết thực và tin cậy.

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là than bùn và đất than bùn U Minh, được thực hiện với các nội dung:

-  Đào, quan trắc, mô tả hình thái phẫu diện. Xác định độ dày tầng than bùn và các tầng đất khoáng. Lấy mẫu phân tích theo tầng phát sinh.

- Nghiên cứu xác định hàm lượng chất hữu cơ và thành phần mùn trong than bùn. Đánh giá thực trạng một số đặc tính lý, hóa học chủ yếu của than bùn và các tầng đất khoáng -  đất than bùn U Minh.

- Đánh giá chung về chất lượng đất than bùn U Minh thông qua hàm lượng chất hữu cơ, thành phần mùn và các đặc tính lý, hóa học chủ yếu khác.

Qua 15 phẫu diện nghiên cứu, kết quả cho thấy: Hiện tại, độ dày của lớp than bùn U Minh phổ biến từ 23-90 cm, trung bình đạt 54 cm. Hàm lượng OM từ 30,68 – 74,83%, bình quân 62,13%. Tỷ lệ C/N bình quân 16,5. Hàm lượng axit humic trung bình 17,68%, cao nhất 31,48%. Hàm lượng axit fulvic bình quân 4,32%, bằng 0,24 lần hàm lượng axit humic. Tỷ lệ CH/CF phổ biến từ 1,67 - 10,66 lần, bình quân 5,03 lần. Như vậy, mùn trong than bùn U Minh chủ yếu là mùn humat-fulvat. Đạm tổng số phổ biến từ 1,23 - 2,85%, bình quân 2,27%, thuộc mức rất giàu. Tổng cation kiềm trao đổi trung bình 24,3 meq/100g, CEC bình quân 36,4 meq/100g đều thuộc mức rất cao. Al3+ từ 0,00 - 0,43 meq/100g, bình quân 0,16 meq/100g. Fe di động 12,54 - 92,92 mg, trung bình là 38,08 mg/100g, đều ở mức thấp, an toàn cho hầu hết cây trồng. Dưới lớp than bùn, các tầng đất khoáng B xuất hiện ở độ sâu 23 - 100 cm, tầng C ở độ sâu 45 - 160 cm. Đất rất chua, giàu chất hữu cơ, lân dễ tiêu trung bình, kali dễ tiêu giàu; tổng cation kiềm trao đổi, CEC, BS trung bình đến khá. Thành phần cơ giới biến động từ thịt pha sét và limon đến sét. Al3+ ở giới hạn gây độc đến nặng, Fe di động ở mức gây độc nhẹ cho cây trồng. Nhìn chung, đất than bùn U Minh thuộc loại có chất lượng cao. Giữa hai tiểu vùng thì đất than bùn U Minh Hạ có chấ lượng cao hơn đất than bùn U Minh Thượng.

Tạp chí NN&PTNT, số 5/2013
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài