SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các yếu tố xử lý vật lý đến chất lượng của gạo đồ từ giống lúa phẩm chất thấp IR 50404 của huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

[24/04/2013 08:39]

Đề tài do nhóm tác giả Lê Nguyễn Đoan Duy và Hồ Quốc Việt, trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về đưa ra một quy trình kỹ thuật tốt, phù hợp nhằm tạo ra một sản phẩm gạo đồ có chất lượng cao phù hợp với đặc điểm ở nước ta. Việc này sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường xuất khẩu, nâng cao cạnh tranh và khẳng định vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Gạo đồ. (Ảnh minh họa)

Vì có khả năng chịu phèn, chống chịu sâu rầy tốt và năng suất cao nên giống lúa IR 50404 được gieo trồng nhiều nhất ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, phẩm chất gạo từ giống lúa này thấp, rất khó tiêu thụ và gái thành thấp hơn các giống lúa khác. Đây là một áp lực không nhỏ cho các cơ quan chức năng cũng như người nông dân ở khu vực này. Để chia sẻ phần nào cho sự khó khăn đó và đồng thời góp phần làm đa dạng các sản phẩm lúa gạo xuất khẩu tại Việt Nam, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố vật lý đến chất lượng sản phẩm gạo đồ trên giống lúa có phẩm chất thấp là IR 50404.

Gạo đồ là một loại gạo chất lượng tốt, giá trị cao trên thị trường, dống góp quan trong trong kim ngạch xuất khẩu của một số nước như Thái Lan và Ấn Độ. Để góp phần đa dạng hóa thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam và nâng cao thu nhập của nông dân, nghiên cứu được thực hiện để khảo sát việc sản xuất gạo đồ từ giống lúa IR 50404 ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Lúa nguyên liệu ở độ ẩm 13,5% được ngâm ở 4 mức nhiệt độ khác nhau là 50, 60, 70 và 80oC trong thời gian 1, 2, 3 và 4 giờ, sau đó được hấp bằng hơi nước ở 100oC trong thời gian 5, 10, 15 và 20 phút hay được xử lý bằng sóng microwave ở 3 mức năng lượng 300, 470 và 640W trong thời gian 0,5, 1, 1,5 và 2 phút. Sau đó, gạo được sấy khô bằng cách phơi nắng cho đến lúc đạt độ ẩm bảo quản 13,5%. Sản phẩm thu được được mang đi xay xát để đánh giá các  chỉ tiêu chất lượng của gạo đồ. Hiệu suất thu hồi gạo nguyên, độ bền gel, độ trở hồ và độ màu của gạo đồ được đo và so sánh giữa các mẫu xử lý ở các chế độ khác nhau.

Kết quả thu được cho thấy, đối với giống lúa IR 50404, nhiệt độ ngâm 70oC trong 3 giờ, tiếp theo là hấp bằng hơi nước ở 100oC trong thời gian 15 phút hoặc xử lý bằng vi sóng ở mức năng lượng 470W trong thời gian 1,5 phút sẽ cho gạo đồ có hiệu suất thu hồi cao nhất và các đặc tính khác như độ bền gel, độ trở hồ và màu sắc tuy kém hơn so với gạo không xử lý nhưng cũng tương đối phù hợp với gạo đồ thương phẩm.

Tạp chí NN&PTNT, 11/2012
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài