SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu triển khai mô hình sản xuất cây giống cây có múi có chứng nhận ở Cần Thơ

[23/12/2011 21:08]

Chủ nhiệm: TS. Lê Thị Thu Hồng; Cơ quan chủ trì: Viện nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam; Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cần Thơ; Thời gian nghiên cứu: 2001- 2003.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Cây có múi là loại cây ăn quả đặc sản truyền thống của tỉnh Cần Thơ, song với 13.000 ha vườn cây có múi (CCM) của tỉnh có trên 90% đang nhiễm bệnh vàng lá greening, trong đó có khoảng 70% đã chết hoặc đã hoàn toàn không cho năng suất.

            Những năm gần đây, nhiều nhà lưới hai cửa (chống côn trùng truyền bệnh) đã được thiết lập để sản xuất cây giống CCM sạch các bệnh virus và tương tự virus, đáp ứng nhu cầu về cây giống sạch ngày càng nhiều của nông dân.

            Công tác hội thi, bình tuyển và nghiên cứu của Viện, trường đã cung ứng nhiều cây đầu dòng và cây giống sạch bệnh cho tỉnh, nhưng hiện trạng mua bán và sử dụng cây giống trôi nổi nhiễm bệnh vẫn còn là yếu tố trở ngại lớn cho việc cải thiện sản xuất cam quýt cho đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cần Thơ nói riêng.

            Do đó, đề tài “Nghiên cứu triển khai mô hình cây giống cây có múi có chứng nhận ở Cần Thơ” đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cần Thơ hợp tác với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (CAQMN) thực hiện từ năm 2001 đến năm 2003 để cải thiện sản xuất và quản lý cây giống có múi trong địa bàn tỉnh là rất thiết yếu.

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Mục tiêu

- Nắm được hiện trạng sản xuất ngành cây có múi và sản xuất cây giống cây có múi trong tỉnh.

- Rút ra được một số kỹ thuật cải thiện bổ sung cho quy trình kỹ thuật vườn ươm và cây giống cây có chứng thực.

- Soạn thảo, đề nghị phê duyệt và đưa vào sử dụng tiêu chuẩn cơ sở cây đầu dòng Cam, Quýt, Bưởi (vật liệu giống cây có múi).

- Tăng cường quảng bá thông tin, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất cây có múi qua tài liệu bướm, hội thảo, tập huấn ... và áp dụng công nghệ thông tin qua việc phát triển trang web: www.vuonuomccm.com.

- Góp phần cải thiện việc sản xuất và quản lý cây giống cây có múi sạch bệnh qua việc chuyển giao công nghệ, chuyển giao cây đầu dòng S1 có chứng thực (12 giống) và tiêu chuẩn cơ sở cây đầu dòng (Cam, Quýt, Bưởi) và áp dụng mô hình nhãn mã vạch cho cây giống hàng hoá.

- Tăng cường kinh nghiệm quản lý vườn ươm cây có múi qua mô hình nông dân tham gia thí nghiệm tại vườn ươm của cơ sở.

2. Nội dung

- Điều tra cơ bản và đánh giá hiện trạng sản xuất cây có múi và hiện trạng vườn ươm cây giống cây có múi, bệnh hại trong vườn ươm, hiện trạng quản lý cây giống trong tỉnh.

- Sản xuất cây mẹ (cấp S0 và S1) các chủng loại cây có múi quan trọng cung ứng cho các vườn ươm. Vi ghép sạch hoá và phân loại duy trì nguồn gen cây có múi của tỉnh.

- Nghiên cứu cải thiện kỹ thuật vườn ươm và xây dựng tiêu chuẩn cây giống đầu dòng Cam, Quýt, Bưởi để triển khai áp dụng.

- Thử nghiệm 2 mô hình: 1) mô hình nông dân tham gia thí nghiệm (FPR hay DOOR) kỹ thuật vườn ươm và 2) mô hình sản xuất và quản lý cây giống xác nhận với nhãn mã vạch.

3. Phương pháp nghiên cứu

Vật liệu và phương pháp được thực hiện theo các thí nghiệm với các phương pháp chính quy và xử lý số liệu thống kê phù hợp bao gồm nhiều loại thí nghiệm:

- Điều tra theo phiếu soạn sẵn, theo phương pháp ngẫu nhiên có trọng tâm, kết hợp lấy mẫu (đất, lá, trái, rễ tùy thí nghiệm) và sử dụng các phương pháp phân tích chính quy phù hợp.

- Thí nghiệm trong nhà lưới.

- Thí nghiệm trong phòng lab

- Thí nghiệm ngoài đồng

- Thực nghiệm và mô hình cùng nông dân làm thí nghiệm, thực hiện tại địa bàn, tổ chức hội thảo đầu bờ và tập huấn để chuyển giao kỹ thuật

III. KẾT QUẢ

1. Hiện trạng vườn ươm cây có múi

Về sản lượng cam, quýt, chanh giảm. Bưởi có khuynh hướng tăng diện tích và sản lượng. Quy mô nông hộ nhỏ, hộ có vườn 0,3-0,5ha chiếm 37%; hộ có trên 1ha chỉ chiếm 20%. Cây có múi thường trồng xen với các loại cây khác chiếm 61,74% , người trồng rất thích sử dụng phân cá, ủ hoai mục...

Về sâu bệnh có 8 đối tượng bảo vệ thực vật (BVTV) nông dân quan tâm, trong đó nổi bật là bệnh vàng lá greening (VLG) và bệnh loét. Ngoài ra, còn có các côn trùng gây bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rệp sáp... Có khoảng 18,9% nông dân không có kinh nghiệm quản lý vườn chăm sóc BVTV.

2. Hiện trạng cây giống “không nhà lưới”, cây giống vườn ươm nhà lưới

Các cơ sở sản xuất cây giống “không nhà lưới” ở tỉnh Cần Thơ bao gồm: huyện Châu Thành (11 cơ sở), kế đến là huyện Châu Thành A (5 cơ sở), Ô Môn (3 cơ sở), Long Mỹ (2 cơ sở), Phụng Hiệp, TP.Cần Thơ, Thốt Nốt , Vị Thanh ... thì không có cơ sở nào đáng kể.

Nhân giống bằng kỹ thuật chiết cành là phổ biến nhất (19/21 hộ), ghép (18/21 hộ), và nhân giống bằng hạt là ít nhất (4/21 hộ).

Nguồn gốc ghép từ cành volka giâm (55%), chanh Nam Mỹ giâm (24%), hạt cam mật, cam sành ... (21%) và 3 nguồn gốc mắt ghép là từ  cây trồng ngay trong vườn nhà, các vườn khác và mua từ Bến Tre chở về.

Các chỉ số thu nhập được trên những cây giống trôi nổi như chiều cao cây, số lá, độ đồng đều, nhãn hiệu, sâu bệnh, bầu đất... đều không đạt so với tiêu chuẩn của Viện.

Kết quả giám định Tristeza, với cây giống trôi nổi 85% dương tính, 15% mẫu âm tính. Kết quả giám định bệnh vàng lá greening, với cây giống trôi nổi 80% dương tính và 20% mẫu âm tính.

3. Hiện trạng bệnh cây trong vườn ươm nhà lưới:

Có 4 loại bệnh phổ biến trong nhà lưới, trong đó bệnh loét do vi khuẩn X.campestris pv.citri là bệnh phổ biến nhất, bệnh ghẻ do nấm E.fawcettii, bệnh thán thư do nấm Collectotrichum sp.

4. Phân loại và xếp nhóm các giống cây có múi ở CầnThơ bằng RAPD fingerprinting

Dựa vào lược đồ UPGMA, với 15 primer được tuyển chọn, RAPDs rất thích hợp để phân biệt tất cả các giống quýt, và các giống lai giữa các loài với nhau như cam sen, cam sành và sảnh. Trong các giống trồng ở Cần Thơ, quýt đường có mối quan hệ di truyền gần nhất với loài C.reticulata (giống Ponkan).

5. Vi ghép sản xuất bộ cây giống cây dòng S1.

Tổng số 196 cây đầu dòng xác nhận (mang nhãn xác nhận của Viện CAQMN) của 12 chủng loại cây có múi thương phẩm đã được cung ứng cho 10 nhà lưới cho tỉnh Cần Thơ.

Có 3 giống khác đã được sạch hoá và lưu trữ nguồn gen là: quýt hồng kim và cam mật không hạt.

6. Kỹ thuật vườn ươm

Tỉ lệ nẩy mầm hạt giống gốc ghép đạt 69% ở 12 ngày sau khi gieo, trong khi nếu gieo không lột vỏ thì chỉ đạt 28%.

Bộ rễ gốc ghép của 2 loại gieo hạt và giâm cành khác nhau quan trọng là số rễ cọc.

Có sinh trưởng cây khác nhau giữa hai loại túi bầu đựng giá thể - nhưng chưa có kết quả rõ ràng.

7. IR trên NCM

IR giám định bệnh cho tỉ lệ âm tính giả là 8,9%; dương tính giả là 3,0%; độ nhạy của phương pháp này là 88,8%; và độ đặc hiệu của phương pháp là 65,9%. Với những thông số như trên cho thấy rằng đây là một phương pháp đủ độ tin cậy áp dụng vào thực tế.

Kít thử nghiệm giám định bệnh VLG bằng IR đã được triển khai với 240 nông dân ở 6 tỉnh trong nước. Có bình quân 56% nông dân nắm rõ được kỹ thuật qua kít hướng dẫn và bằng lòng với hiệu quả sử dụng.

8. Tiêu chuẩn cơ sở cây Cam, Quýt, Bưởi đầu dòng: (mã số TCCS 08-2003), được ban hành theo quyết định số 38/QĐ-VNC ngày 10/10/2003 đồng thời được cung ứng cho các nhà vườn ươm và các Sở Nông nghiệp và PTNT để sử dụng (công bố hoặc đối chứng kỹ thuật trong quản lý kiểm tra).

9. Trang web www.vuonuomccm.com gồm 15 trang đã được đưa lên mạng từ tháng 7/2003 đến nay.

10. Trong mô hình nông dân tham gia thí nghiệm kỹ thuật vườn ươm (DOOR), các vấn đề kỹ thuật đặc thù như phòng trị rầy trắng của cơ sở giống Việt Nông, bệnh ghẻ và loét trên cây giống có múi của HTX Thạnh Phước xử lý hiện tượng có đọt ra bất thường tại nhà lưới của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cần Thơ đã được các cơ sở tham gia thí nghiệm và trao đổi kết quả.

11. Mô hình sản xuất và quản lý cây giống cây có múi xác nhận với nhãn mã vạch, triển khai trong 2 năm qua các giai đoạn: cung ứng cây mẹ S1 xác nhận - đánh giá và khuyến cáo - tập huấn và kiểm tra mẫu và đánh giá tiêu chuẩn cấp nhãn mã vạch xác nhận. Tháng 6/2003, có 3 cơ sở trong các nhà lưới/cơ sở sản xuất giống của tỉnh (đối tượng thực hiện mô hình): Trung tâm Giống nông nghiệp Cần Thơ, Trại cây giống Việt Nông và HTX Phước Thiện đạt tiêu chuẩn sản xuất cây giống và được cấp mã vạch trong mô hình của đề tài.

IV. HIỆU QUẢ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

- Quy trình sản xuất cây giống cây có múi sạch bệnh có chứng nhận với nhãn mã vạch. Cơ quan chỉ đạo Nông nghiệp tỉnh có cơ sở khoa học và tài liệu cho công tác phát triển sản xuất ngành trồng cây có múi và quản lý cây giống cây có múi của tỉnh có hiệu quả hơn.

- Nông dân tăng kiến thức và kinh nghiệm (E-mail, trang web, thí nghiệm DOOR, giám định IR), tăng hiệu quả quản lý nguồn ươm, vườn sản xuất.

- Các nguồn cây đầu dòng được cung ứng từ đề tài góp phần thay thế được nguồn cây mẹ trôi nổi nhiễm bệnh, là nguồn vật liệu quan trọng giúp cải thiện hệ thống sản xuất giống và chất lượng cây giống có múi trong tỉnh.

V. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

- Cải thiện kỹ thuật giám định bệnh VLG, sản xuất cây giống cây có múi chứng thực.

- Đưa bộ kít IR vào quản lý bệnh trên vườn của nông dân.

- Xây dựng tiêu chuẩn cây đầu dòng Cam, Quýt, Bưởi, góp phần cho việc quản lý sản xuất cây giống cây có múi sạch bệnh.

- Mô hình cây giống chứng thực, với các quy trình đánh giá với nhãn mã vạch có thể triển khai áp dụng tốt trong quản lý.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài