SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thương hiệu cá ngừ đại dương… lung lay

[17/08/2012 10:26]

Mấy tháng qua, những chuyến câu cá ngừ đại dương (CNĐD) của ngư dân miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng trở về đất liền luôn đầy ắp cá. Tuy nhiên, đằng sau những chuyến biển bội thu đó, nghề đánh bắt CNĐD vẫn còn những bất cập khiến thương hiệu CNĐD Việt Nam đang có mặt tại 77 quốc gia trên thế giới bị lung lay.

Vì lợi ích, khai thác kiểu tận diệt

Nghề khai thác CNĐD tập trung tại 3 tỉnh Nam Trung bộ gồm Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với đội tàu gần 1.200 chiếc, sản lượng khai thác mỗi năm hơn 10.000 tấn. Riêng trong năm 2012, do nghề câu cá ngừ hoạt động hiệu quả, số lượng tàu đánh bắt tăng lên nhiều, vì vậy sản lượng cá ngừ 6 tháng đầu năm đạt 11.700 tấn, bằng cả năm 2011. Theo một số ngư dân chuyên đánh bắt CNĐD, liên tục mấy tháng qua, ngư dân tại Bình Định trúng đậm cá ngừ nhiều nhất vì họ đã chuyển từ đánh bắt truyền thống sang cách đánh bắt dùng đèn cao áp dụ cá. Trái lại, những ngư dân vẫn giữ nghề truyền thống thì năng suất sụt giảm rõ rệt. Nhiều ngư dân miền Trung có thâm niên trong nghề khai thác CNĐD truyền thống cho biết: Kể từ ngày xuất hiện câu cá ngừ bằng điện công suất cao, có lúc công năng đèn lên gần 3.000W khiến các nghề cá ngừ truyền thống lâu nay như vàng câu, thẻo câu, câu khơi,... bị lép vế. Trước đây, mỗi chuyến câu cá ngừ truyền thống có thể câu được hơn 20 - 30 con, nhưng nay chỉ được từ 5 - 7 con, thậm chí có tàu không câu được con nào.

Theo Chi cục Quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, phương thức đánh bắt cá ngừ bằng đèn cao áp (hay còn gọi là nghề màn chụp) xuất phát từ các ngư dân Bình Định, nhưng kiểu đánh bắt này họ bắt chước cách khai thác của ngư dân Trung Quốc. Tuy cách đánh bắt này nguy hiểm cho cả người và ngư trường, nhưng do sản lượng cao nên họ bất chấp; bên cạnh đó, do chưa có rào cản pháp lý nào nên cánh đánh bắt này khó kiểm soát, xem như thả nổi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đánh bắt cá ngừ bằng đèn cao áp là dùng đèn công năng lớn để dụ cá. Do đó, kể cả cá lớn, nhỏ đều được dụ tới dưới ánh đèn. Sau đó, ngư dân bắt theo kiểu tận diệt. Nếu con nào sống sót thì cũng chịu hậu quả là không thể sinh sản và cá không có cơ hội tái đàn do ảnh hưởng bởi sức nóng từ các đèn cao áp. Còn những con cá đánh bắt được, dù kích cỡ đạt chuẩn xuất khẩu nhưng chất lượng cá sẽ giảm sút, vì khi cá tiếp xúc với sức nóng từ đèn cao áp, thịt cá sẽ biến dạng nên giá trị không cao, và không thể xuất khẩu sang các thị trường truyền thống.

Sản lượng t lệ nghịch với chất lượng

Có thể nói, chưa có năm nào nghề đánh bắt CNĐD tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lại khấm khá đến thế. Tuy nhiên, kết quả sau những chuyến biển cá đầy khoang, có thể thu lợi nhuận cao trước mắt nhưng còn bất ổn định trong cung cách khai thác. Tại Khánh Hòa, bấy lâu nay ngư dân hành nghề câu CNĐD truyền thống bằng nghề câu khơi, nhưng từ đầu năm đến nay, khoảng 90% ngư dân đã chuyển qua phương thức đánh bắt dùng đèn cao áp. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang), từ khi người dân chuyển qua cách đánh bắt này, sản lượng có thể đạt gấp đôi cách đánh bắt cũ. So với các năm trước, sản lượng cá ngừ năm nay vượt trội, tuy vậy chất lượng cá đánh bắt bằng đèn cao áp có giá thấp hơn nghề câu truyền thống khoảng 40%. Thực tế cho thấy, tại cảng cá Hòn Rớ, từ đầu năm đến nay có thời điểm cá ngừ quá nhiều, tuy nhiên chất lượng cá không đạt nên nhiều chủ vựa không thu mua, người dân đành bán tháo cá ngừ khiến giá cả giảm sút, kéo theo đó là nguồn thu của ngư dân không cao và thường xuyên bị các “đầu nậu” o ép.

Theo các chủ thu mua cá ngừ tại Nam Trung bộ, thương hiệu CNĐD Việt Nam đã nổi tiếng trên thị trường quốc tế nhờ sản phẩm tươi ngon từ các con cá câu được bằng nghề truyền thống. Vì vậy, nếu cứ để tình trạng đánh bắt CNĐD bằng đèn cao áp tràn lan như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu mà chúng ta đang cố gắng xây dựng, thậm chí có nguy cơ mất thương hiệu.

Năm 2011, cá ngừ của Khánh Hòa được xuất sang 64 thị trường, với sự tham gia của 11 doanh nghiệp hàng đầu trong tỉnh, giá trị xuất khẩu đạt 150,2 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ nhập khẩu cá ngừ ổn định và quan trọng nhất. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ liên tục tăng trong năm 2011, đạt gần 75 triệu USD, chiếm tới 56% tổng giá trị và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2010. EU là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 2, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Khánh Hòa, còn lại là thị trường Nhật.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, cá ngừ ở vùng biển nước ta có 9 loài với trữ lượng trên 1,1 triệu tấn/năm, trong đó cá ngừ vằn chiếm trên 600.000 tấn/năm. Nghề khai thác CNĐD tập trung ở 2 đối tượng chính là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to với trữ lượng khoảng 45.000 tấn/năm, khả năng khai thác mỗi năm khoảng 17.000 tấn. Sản phẩm cá ngừ đã xuất khẩu đến 77 quốc gia, riêng 6 tháng đầu năm nay kim ngạch đạt 286 triệu USD. Tuy nhiên, việc tổ chức khai thác, bảo quản thu mua và chế biến loài cá này còn quá lạc hậu khiến chất lượng rất thấp.

www.baokhanhhoa.com.vn (dtphong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài