SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Dùng “chùa” bản quyền – cái giá quá đắt cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ

[21/12/2012 15:22]

Theo Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA) của Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, giày, nhựa, nội thất,… nếu sử dụng các phần mềm sao chép để cài vào máy tính phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì các sản phẩm hoàn chỉnh của họ cũng bị coi là sản phẩm vi phạm bản quyền và cấm xuất khẩu sang Mỹ.

Một hội nghị bàn thảo về vấn đề nhận thức bản quyền phần mềm.

Từ tháng 7.2011, “luật chơi lành mạnh” đã chính thức được ban hành tại Mỹ nhằm thiết lập lại sự công bằng trong kinh doanh trước tình trạng quá nhiều quốc gia trên thế giới đang không tuân thủ nghiêm ngặt bản quyền phần mềm và sở hữu trí tuệ, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung và các doanh nghiệp IT của nước Mỹ nói riêng.
Giá thành của phần mềm lậu chỉ bằng một phần nhỏ so với phần mềm chính hãng, và nó sẽ giúp nhà sản xuất có lợi thế về giá, nhưng thực sự đó là một cuộc chơi “không lành mạnh” so với những nhà sản xuất chân chính đang sử dụng phần mềm hợp pháp. Bộ luật UCA ra đời đã cung cấp cho những đối thủ cạnh tranh kém lợi thế đó giải pháp phục hồi thiệt hại và ngăn sự cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc xử phạt và ngăn chặn hành vi bất hợp pháp của các công ty sử dụng phần mềm lậu.

Tháng 10 vừa qua, tại Massachusetts, lần đầu tiên Bộ luật UCA được áp dụng tại bang này với với việc xử lý vụ vi phạm bản quyền phần mềm của công ty TNHH Narong Seafood, một công ty chuyên chế biến cá của Thái Lan hiện đang bán và phân phối sản phẩm tại Mỹ. Công ty này bị cáo buộc đã sử dụng trái phép các phần mềm bản quyền của Microsoft. Bằng cách này, Narong đã cắt giảm được một phần chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ đó có được lợi thế về giá hơn so với các đối thủ cạnh tranh – mặc dù điều này là không hề công bằng với những đơn vị tuân thủ đúng luật pháp khi sử dụng phần mềm bản quyền.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, công ty Narong đã cam kết không sử dụng trái phép bất kỳ phần mềm bản quyền nào trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm tại Massachusetts và đồng thời chịu mức phạt 10.000 USD cho hành vi vi phạm này.

Cái giá nào cho doanh nghiệp dùng “chùa” bản quyền?

Từ trường hợp của Narong, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có một cái nhìn nghiêm túc hơn nữa về vấn đề sử dụng các phần mềm có bản quyền. Theo công bố của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) về tình hình vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu năm 2011, Việt Nam có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính  là 81% (năm 2010 là 83% và năm 2009 là 85%). Giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền là 395 triệu USD, giảm 4% so với năm trước. Tỷ lệ này vẫn còn quá so với tỷ lệ của khu vực hay thế giới là 60% và 42%. Điều này sẽ gây bất lợi và khiến các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị “để ý” hơn khi muốn đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình phát triển tại thị trường Mỹ.

Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng như dệt may, nông sản, thủy sản,…Bộ luật UCA nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp, tuy nhiên cũng sẽ gây ra nhiều tác động đến cơ hội kinh doanh của nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Nếu dùng phần mềm không bản quyền, các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện, tịch thu hàng hóa và đánh mất thị trường, cơ hội kinh doanh tại nước này.

Trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm, hệ thống luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện đang được chú trọng rất nhiều với chế tài xử phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng, nay cộng thêm với tác động của bộ luật UCA chắc chắn sẽ tạo ra cú hích lớn trong nhận thức chấp hành luật đối với các doanh nghiệp nếu như họ không muốn tự mình đánh mất cơ hội kinh doanh tại Mỹ.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài