SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hỗ trợ phát triển TSTT đặc biệt quan trọng với địa phương và doanh nghiệp

[22/03/2013 18:05]

Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã khẳng định tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 Chương trình 68 vừa qua tại Hà Nội.

Năm 2012, Chương trình đã tổ chức hội đồng thẩm định nội dung và dự toán kinh phí đối với một số dự án trong danh mục được phê duyệt, đã phê duyệt được 15 dự án thực hiện trong các năm 2012-2013; tiếp nhận 177 đề xuất, xử lý và trình Bộ KH&CN phê duyệt 79 dự án thực hiện trong năm 2013-2014 (đã thẩm định nội dung, dự toán kinh phí và phê duyệt được 43 dự án). Năm 2012, dự toán kinh phí được cấp cho Chương trình là 40 tỷ đồng, đã sử dụng được hơn 22 tỷ đồng (kinh phí cho thực hiện các dự án là hơn 18 tỷ đồng và cho hoạt động chung là hơn 3 tỷ đồng).

Đánh giá chung về thực hiện Chương trình năm 2012, hầu hết các đại biểu tham dự đều khẳng định, các dự án đã bám sát mục tiêu và nội dung của Chương trình, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; nhiều dự án đã có những ảnh hưởng tích cực và tạo ra giá trị, hiệu quả cụ thể về kinh tế, xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, Chương trình 68 có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động khoa học công nghệ,  đặc biệt là với các địa phương và doanh nghiệp.  Bộ trưởng cho biết, Chương trình đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ bảo hộ các  sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa… của doanh nghiệp tại các địa phương, đặc biệt là hiệu quả đối với những người lao động, sản xuất kinh doanh được tăng lên đồng thời các giá trị sản phẩm gia tăng được bảo hộ cũng tăng lên.

Ví dụ như Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) từ khi có chỉ dẫn địa lý được tăng lên đáng kể, từ khâu đổ đống nay đã tiêu thụ được rất nhiều. Hay như Quýt, Miến dong  Bắc Cạn, khi có chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể thì giá lập tức lên gấp đôi. Tương tự như vậy các chỉ dẫn địa lý khác cũng như các Doanh nghiệp có sáng chế được bảo hộ có điều kiện sản xuất kinh doanh tốt hơn, tránh được tranh chấp vi phạm đối với nhãn hiệu hàng hóa,  kiểu dáng công nghiệp.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, Chương trình cần được tiếp tục triển khai trên quy mô rộng hơn,  không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp như giai đoạn trước đây mà phải hỗ trợ rộng hơn cho toàn xã hội, các tổ chức cá nhân khác để Chương trình phủ kín tất cả loại hình về SHTT (không chỉ là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa mà kể cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu tập thể..), để các tổ chức cá nhân trong xã hội đều được bảo hộ quyền của của họ đối với TSTT cũng như là hỗ trợ trong việc xác lập quyền.

Hội nghị cũng đã tiến hành thảo luận về danh mục các dự án tuyển chọn cho thực hiện trong 2 năm 2014-2015. Có 213 dự án (loại dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý: 24, loại dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý: 6, loại dự án áp dụng sáng chế: 30…) được đề xuất từ 84 đơn vị (1 bộ, 39 sở KH&CN, 5 trường đại học/cao đẳng, 15 viện nghiên cứu, 6 UBND các tỉnh, huyện và 18 là đơn vị khác) đã được đưa ra để xem xét, thảo luận.

http://truyenthongkhoahoc.vn (lntkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài