SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

“Tôi đánh giá rất cao những sáng kiến của nông dân”

[18/08/2014 15:53]

Mỗi năm cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ và duy trì trên 1.000 bằng sáng chế của cả trong nước và nước ngoài. Nhưng bằng sáng chế của người Việt chưa đến 100, tức là chưa đến 10% so với tổng số văn bằng được bảo hộ. Trong số những văn bằng được bảo hộ của Việt Nam, sáng chế của nông dân có năm có, năm không.

Bộ trưởng Nguyễn Quân

Tuy nhiên gần đây, báo chí tốn không ít giấy mực về việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa, Yết Kiêu… của người dân. Thậm chí, có ý kiến cho rằng giới khoa học Việt Nam với hàng nghìn tiến sĩ không làm được tàu ngầm, trong khi cơ quan quản lý lại không ủng hộ làm những việc như vậy…

Phóng viên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân về vấn đề này.

- Bộ trưởng Đánh giá thế nào về sáng chế trong dân hiện nay?

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Trong số hoạt động khoa học công nghệ của bà con nông dân có nhiều sáng kiến để phục vụ sản xuất. Trong số những sáng kiến ấy có những cái được nâng lên thành sáng chế, nếu nó mới và chưa từng được phát hiện, áp dụng ở đâu.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua ở Việt Nam cũng có một số sản phẩm của người nông dân mặc dù có tính mới. Có những sản phẩm áp dụng được, nhưng để gọi là sáng chế thì chưa thật chính xác.

Tôi ví dụ như với tàu ngầm Yết Kiêu và Trường Sa 01, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao ý tưởng sáng tạo cũng như tinh thần khoa học của người dân. Thế nhưng, về mặt nguyên lý mà nói thì những sản phẩm này đã được người ta sáng chế, phát minh từ nhiều thập kỷ. Có điều, những sản phẩm trên được nổi tiếng chỉ là do người dân Việt Nam lần đầu tiên làm mà thôi.

Chúng tôi cũng đánh giá rất cao tinh thần khoa học của họ, nhưng nếu gọi đây là những sáng chế có tầm quan trọng rất đặc biệt với khoa học thì không phải bởi ngay cả khi những sản phẩm này được chế tạo, thử nghiệm một cách thành công thì khả năng để thương mại hóa, thậm chí nghĩ đến việc xuất khẩu ra các nước khác trong khu vực còn là một bài toán lâu dài nhất là khi hiện nay Chính phủ Việt Nam không có chủ trương phải chế tạo tàu ngầm, máy bay.

Ngay cả các quốc gia phát triển hơn chúng ta hiện nay cũng không dám nghĩ đến việc tự  chế tạo tàu ngầm và máy bay. Đây là những phương tiện kỹ thuật đòi hỏi trình độ công nghệ cũng như đòi hỏi an toàn cho con người rất cao. Chúng ta rất dễ nhận thấy cả thế giới đều dùng Boeing và Airbus thay vì mỗi quốc gia đều chế tạo thương hiệu hàng không cho chính mình. Và trên thế giới chỉ có một vài Quốc gia chế tạo, xuất khẩu tàu ngầm.

Cho nên, tôi cho rằng, những sản phẩm máy bay, tàu ngầm do người dân tạo ra có ý nghĩa về mặt ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, dám nghĩ dám làm và chứng tỏ một điều với những điều kiện còn rất khó khăn, thô sơ, người dân vẫn có thể làm được sản phẩm ở trình độ nhất định.

- Có sáng kiến của dân trở thành sáng chế, nhưng nếu người dân có sáng chế lại không biết đi đăng ký bản quyền, dẫn đến việc bị lộ, bị mất. Bộ trưởng nhận định về vấn đề này như thế nào? Hiện Bộ có hỗ trợ gì cho người dân để nâng cao nhận thức của người dân về quyền sở hữu trí tuệ?

Tôi cho rằng, thứ nhất người dân rất khó có thể biết làm thế nào để đăng ký được để được bảo hộ. Hai là hiện nay để đăng ký bảo hộ thì thủ tục còn rất phức tạp, kể cả người dân có biết về thủ tục đăng ký thì quy trình cũng rất phức tạp vì họ không có chuyên môn về vấn đề này.

Sáng chế là những ý tưởng, sản phẩm mới mà chưa từng ai đăng ký. Bởi vậy, khi viết được bản mô tả sáng chế đòi hỏi phải là người rất chuyên nghiệp. Bản mô tả phải rõ ràng, bảo đảm tính khoa học để cơ quan thẩm định thấy đúng là mới, thì cơ quan thẩm định mới chấp nhận đơn hợp lệ. Sau đó tiến hành tra cứu hệ thống sáng chế thế giới. Khi tra cứu thấy cái sáng chế của người dân chưa từng được công bố hoặc bảo hộ, đảm bảo tính mới, tính khoa học, khả năng ứng dụng… và hết thời giantheo luật  định mà không có khiếu nại, tranh chấp thì cấp văn bằng bảo hộ.

Đối với những người dân có ý tưởng sáng tạo ở tầm sáng chế thì nên liên hệ ngay với sở KH&CN ở các địa phương để được hướng dẫn. Sau đó, thông qua đơn vị chuyên môn để viết bản mô tả sáng chế, làm hồ sơ.

Ở Việt Nam có những tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Tại đây, họ có luật sư, chuyên gia kỹ thuật giúp cho người nông dân viết mô tả sáng chế và làm thủ tục đăng ký sáng chế.

Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ngoài việc phải thuê tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để làm hồ sơ còn phải mất lệ phí đóng cho cơ quan đăng ký của nhà nước. Khi được bảo hộ, hàng năm còn phải đóng phí để duy trì.

- Trung bình một năm, cục SHTT cấp bao nhiêu sáng chế, trong số lượng đó có bao nhiêu nhà khoa học chân đất?

Mỗi năm cục SHTT trung bình cấp văn bằng bảo hộ và duy trì trên 1.000 bằng sáng chế của cả trong nước và nước ngoài. Nhưng bằng sáng chế của người Việt chưa đến 100, tức là chưa đến 10% so với tổng số văn bằng được bảo hộ. Trong số những văn bằng được bảo hộ của Việt Nam, sáng chế của nông dân có năm có, năm không. Hầu hết các bằng sáng chế là của các nhà khoa học, các viện, các trường, doanh nghiệp, kỹ sư…

- Vậy Bộ KH&CN có những hỗ trợ cụ thể như thế nào sáng chế, sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn, thưa Bộ trưởng?

Việc hỗ trợ “nhà khoa học chân đất” được tiến hành ngay từ khi người nông dân có ý tưởng và liên hệ với các Sở Khoa học và Công nghệ ở địa phương.

Hàng năm khi Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chợ công nghệ thiết bị (Techmart), chúng tôi đều giao cho các Sở Khoa học và Công nghệ mời nông dân có sáng kiến đem sản phẩm của họ đến giới thiệu trong các chợ ấy. Điều này sẽ giúp sản phẩm của người dân được nhiều người biết đến và mở ra cơ hội hợp tác, thương mại hóa sản phẩm.

Thực tế có một số sản phẩm của bà con nông dân được giới thiệu tại Techmart đã có nhiều đơn đặt hàng, sản xuất nhiều sản phẩm để bán, có một vài nông dân đã thành lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm, trở nên giàu có như sáng chế của nông dân đồng bằng sông Cửu Long về máy hút bùn…

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những có hỗ trợ gì để nâng cao nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng nhiều cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho người dân, ví dụ qua các cuộc thi nhà sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ, chuyên mục "chắp cánh thương hiệu" trên VTV và nhiều chương trình tuyên truyền liên quan tới sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, có cả một chương trình 68 của Chính phủ về phát triển tài sản trí tuệ. Chương trình này ngoài việc hỗ trợ tuyên truyền còn hỗ trợ cho một số viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp  xây dựng thương hiệu, đăng ký tài sản trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa…), xây dựng hệ thống cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ từ Trung ương tới địa phương…

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

truyenthongkhoahoc.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài