SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vì sao có quá ít bằng sáng chế cấp cho người Việt?

[22/04/2015 14:15]

Theo Cục sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và công nghệ), năm 2014, cục đã tiếp nhận 4.447 hồ sơ bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, 46.347 hồ sơ đăng ký xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Người nước ngoài đăng ký sáng chế vẫn là chủ yếu. Trong tổng số 4.447 hồ sơ đăng ký sáng chế có 3.960 (89,1%) thuộc người nước ngoài, chỉ có 487 (10,9%) thuộc người Việt.

Sáng chế tách nước trong vận chuyển bùn thải đã đăng ký cấp bằng sáng chế

Giải thích lý do người Việt có quá ít bằng sáng chế, Cục sở hữu trí tuệ (SHTT) cho rằng: theo quy định, để được cấp bằng độc quyền sáng chế, sản phẩm phải có tính mới hoàn toàn, có sự sáng tạo cao và khả năng áp dụng quy mô công nghiệp. Nhưng sản phẩm, giải pháp của người Việt gửi đến cục không đạt được các tiêu chí nói trên để xét cấp bằng độc quyền sáng chế. Ngay cả việc thiết lập hồ sơ đăng ký cũng là một khó khăn đối với nhiều tác giả “mê sáng chế” nhưng tầm nhìn có phần giới hạn. Một nhà sáng chế vừa nhận bằng cho biết: vì “không quen”, chỉ riêng đặt tên cho 1 sáng chế này đã mất 6 tháng.

Ở cấp độ giải pháp hữu ích (thấp hơn sáng chế), chỉ cần giải pháp đó có tính mới hơn trên nền giải pháp đã có, đã được ứng dụng. Cấp độ này có nhiều người tham gia hơn, tỷ lệ hồ sơ được cấp bằng giải pháp hữu ích tăng đều qua các năm nhưng nhiều giải pháp ở dạng “mới ta, cũ người”. Ở lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, số lượng nhiều hơn các năm trước, cho thấy dấu hiệu sự phát triển khoa học công nghệ, sự phát triển kinh tế hàng hóa - xã hội của quốc gia, hoặc mỗi địa phương. Tuy nhiên, có tới 19,6% của người nước ngoài, cho thấy sức ép về công nghệ - hàng hóa trên thị trường Việt sẽ là vô cùng nặng nề (hàm lượng công nghệ thấp, giá thành cao, thiếu độc quyền) đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập WTO và TPP.

Giải pháp tăng cường sáng chế, giải pháp hữu ích cho các năm tới bao gồm: Nhà nước đặt hàng nghiên cứu sáng chế công nghệ hiện đại, hữu ích tầm chiến lược quốc gia. Gắn nghiên cứu với doanh nghiệp và sản xuất hàng hóa hàm lượng công nghệ cao và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Khai thác giải pháp hữu ích quốc tế (đã có và hết thời hạn bảo hộ) và phát huy sáng tạo giải pháp hữu ích Việt Nam. Theo Cục SHTT, giải pháp nâng cao nhận thức của xã hội, tạo nền móng cho hoạt động SHTT là quan trọng, địa bàn triển khai gồm trường phổ thông, đại học, doanh nghiệp.

Chào mừng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, trong tháng hành động "Sở hữu trí tuệ góp phần gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp", Cục sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng. Cục SHTT đã phối hợp với Trường đại học ngoại thương tổ chức gameshow "Đỉnh cao thương hiệu”' dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận; phối hợp với Trường đại học luật TP.HCM tổ chức cuộc thi “Thương hiệu Việt" từ tháng 3 - 5/2015 dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP.HCM; tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên nghiên cứu về SHTT (phối hợp với Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội) từ tháng 3 - 4/2015... (A.T)

www.phothongkhoahoc.com.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài