SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Văn hóa tiêu dùng có ‘tiếp tay’ cho nạn hàng giả, hàng nhái?

[17/09/2020 09:45]

Cần tạo ra một môi trường tiêu dùng đề cao “chân, thiện mĩ”, bởi chỉ khi người tiêu dùng đề cao hàng chính hãng, lên án hàng giả thì xã hội sẽ điều tiết hành vi, nhằm dần loại trừ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc ra khỏi thị trường…

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra một đơn vị có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái.  

Thời gian qua, nhìn từ rất nhiều vụ việc lực lượng Quản lý thị trường cùng các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, phát hiện hàng loạt tụ điểm chứa hàng giả, hàng nhái cũng như các cơ sở, cá nhân buôn bán hàng kém chất lượng, chúng ta có thể thấy phần lớn là hàng hóa đều giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước hoặc trên thế giới. Điều này là thực tế chỉ ra tâm lý sính hàng hiệu, thậm chí người tiêu dùng biết là hàng nhái nhưng vẫn “nhắm mắt” xuống tiền mua. Và điều đó có thể được xem như hành vi tiếp tay cho hàng dởm tung hoành.

Bàn luận về vấn đề ảnh hưởng của văn hóa tiêu dùng đến việc gia tăng hàng giả, hàng nhái, ông Lương Hữu Lâm, Giám đốc thương hiệu thời trang Giovanni phân tích: Trường hợp đầu tiên là người bán “rao một đằng, bán một nẻo” khiến người tiêu dùng mắc bẫy và bị lừa mua hàng giả, hàng nhái.

Còn trường hợp thứ 2, cũng là trường hợp đang đề cập chính là việc người tiêu dùng biết đích xác là hàng giả mà vẫn mua. Có một câu nói trong lĩnh vực quản lý hàng hóa, đó là: “Nếu thương hiệu của bạn chưa bị ai làm giả thì thương hiệu của bạn chưa thực sự nổi tiếng”. Đồng nghĩa với việc các thương hiệu nổi tiếng thường bị làm giả rất nhiều.

Ở đây, có vấn đề liên quan đến tâm lý, hành vi của người tiêu dùng, thậm chí cả văn hóa thị trường. Ví dụ thị trường châu Á, đơn cử như Việt Nam hoặc Trung Quốc có một dạng tâm lý chủ nghĩa tập thể - con người lấy tiêu chuẩn của tập thể đề ra làm thước đo cho bản thân mình. Trong đó, suy nghĩ phải có đồ hiệu mới được coi là người thành công, phải dùng hàng hóa có logo của thương hiệu lớn để khẳng định vị thế trong xã hội, cộng thêm việc không phải ai cũng đủ năng lực tài chính để sử dụng hàng hiệu… Đấy là những nguyên nhân cơ bản khiến cho người tiêu dùng tìm đến hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng để thỏa mãn nhu cầu.

“Như vậy, có hai khía cạnh chúng ta cần đề cập: một là người bán cung cấp cho thị trường những sản phẩm giả; nhưng ở khía cạnh khác thì chính người tiêu dùng cũng mong muốn sử dụng những món hàng đó. Còn nếu trong thị trường có người bán hàng giả, hàng nhái mà không có người mua thì hàng giả, hàng nhái không có đất sống.

Việc mua bán hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa tiêu dùng. Đầu tiên, chính người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”. Những thương hiệu lớn – phải đầu tư rất nhiều kinh phí để phát triển kiểu dáng, sở hữu trí tuệ… sản phẩm của họ lại bị các đối tượng xấu làm giả, và hiện tượng đó người tiêu dùng lại đón nhận, khiến cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng tiêu cực, người tiêu dùng chân chính khi phải bỏ ra một số tiền lớn (thậm chí gấp hàng trăm lần so với hàng giả) thì họ cũng cảm thấy việc tiêu dùng của họ không được bảo vệ”, ông Lâm nhận định.

Để hạn chế việc hàng giả, hàng nhái lộng hành, ông Lâm cho biết nguồn gốc đến từ hành vi, văn hóa tiêu dùng. Để thay đổi hành vi cần thông qua giáo dục, tuyên truyền.

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, rất nhiều người bán hàng sử dụng công nghệ như facebook, zalo hoặc sử dụng hình thức livestream để bán hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ… thì chính doanh nghiệp cũng có thể sử dụng môi trường đó để phản gián, tấn công ngược lại.

“Cụ thể như tại Giovanni, thương hiệu phải hết sức minh bạch về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vì chỉ có minh bạch mới khiến người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Đồng thời, khi người tiêu dùng đã tin tưởng, chúng tôi cũng cũng tuyên truyền, hướng dẫn để giúp khách hàng sao cho dễ dàng nhất để có thể nhận ra được hàng chính hãng.

Còn ở góc độ vĩ mô hơn, chúng ta cần tạo ra một môi trường tiêu dùng đề cao “chân, thiện mĩ”, bởi chỉ khi người tiêu dùng đề cao hàng chính hãng, lên án hàng giả thì xã hội sẽ điều tiết hành vi, nhằm dần loại trừ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc ra khỏi thị trường”, ông Lâm nêu quan điểm.

Lê Thanh Tùng

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ