SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chương trình 712 – Khởi tạo uy tín, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

[08/12/2020 09:16]

Nhờ sự vào cuộc quyết tâm của Bộ KH&CN cùng các bộ ngành cũng như sự đồng hành, chung tay từ phía doanh nghiệp, Chương trình 712 đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam, tạo tiền đề, cơ sở cho hàng nghìn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Chương trình 712

Nhiều dấu ấn qua một thập kỷ

Kể từ khi tham gia vào Tổ chức Năng suất châu Á (ngày 1/10/1996), vai trò và tầm quan trọng của năng suất, chất lượng đã thực sự được nhấn mạnh tại Việt Nam. Từ thập niên Chất lượng lần thứ I (1996-2005), hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng (NSCL) tại Việt Nam được hình thành, các doanh nghiệp (DN) bắt đầu quan tâm tới vấn đề cải tiến NSCL và đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hội nhập quốc tế. Thập niên Chất lượng lần thứ II (2006-2015) với chủ đề “Năng suất chất lượng - chìa khóa phát triển và hội nhập” được đặt ra với mục tiêu tạo lập uy tín, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”.

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712). Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực và có chiều sâu về thúc đẩy NSCL, Chương trình đã giúp đỡ, kiến tạo cho hàng chục nghìn cơ quan, tổ chức, DN tìm ra hướng đi đúng đắn cho quá trình vận hành hoạt động. Đồng thời tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy NSCL tại Việt Nam, tạo tiền đề, cơ sở cho hàng nghìn DN nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.

Nhận định kết quả triển khai Chương trình, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Trần Văn Vinh cho biết: sau 10 năm triển khai, Chương trình là một trong các nhân tố đóng góp cụ thể trong việc thúc đẩy nâng cao năng suất lao động nói chung và hỗ trợ DN trong tiến trình chuẩn bị năng lực phục vụ hội nhập.

Bên cạnh tạo dựng được phong trào về NSCL thông qua 07 dự án NSCL ngành và 57 dự án NSCL địa phương; hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với 12.000 TCVN đạt tỉ lệ gần 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế cùng với 800 QCVN bao trùm hầu hết các lĩnh vực là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý chất lượng phục vụ sản xuất kinh doanh và thương mại; đội ngũ chuyên gia về NSCL trong cả nước đã bước đầu được hình thành và phát triển ở các Bộ, ngành, địa phương và DN; nâng cao nhận thức, kiến thức về NSCL cho các cấp, các ngành, đặc biệt là các DN.

Chương trình đã triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã giúp cho hàng chục nghìn DN nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Đây là kết quả rất quan trọng vì quan điểm chủ đạo của Chương trình là “Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng. DN đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.

Bên cạnh đó, Chương trình đã từng bước xây dựng được đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất chất lượng, nguồn nhân lực bảo đảm cho hoạt động nâng cao NSCL tại các DN, ngành kinh tế và nền kinh tế. Việc triển khai đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng cho sinh viên các trường Đại học, cao đẳng nghề tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

NSCL là yếu tố then chốt

Theo báo cáo từ Ban điều hành Chương trình, sau 10 năm triển khai, đã có khoảng 15.000 DN được hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến NSCL. Nhiều DN tiếp cận và áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9000, ISO 14000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản (như 5S, Lean hoặc Six Sigma,…). Ở các Bộ ngành, địa phương với nhiều kết quả nổi bật, nhiều cá nhân, DN điển hình đã được hỗ trợ, NSCL tăng lên rõ rệt. Nhiều DN báo cáo, sau khi được hỗ trợ tư vấn và áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, NSCL của DN đã tăng lên 30 - 40% so với trước khi áp dụng.

Hiệu quả lớn nhất Chương trình mang lại cho cộng đồng xã hội và DN thể hiện trên nhiều phương diện. Cụ thể, phong trào NSCL đã được xây dựng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 7/8 bộ, ngành, 57/63 địa phương có dự án NSCL được phê duyệt, huy động nguồn lực tập trung cho mục tiêu nâng cao NSCL của sản phẩm, hàng hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu DN, sản phẩm, hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong, ngoài nước. Điều này góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của TFP trong tốc độ tăng GDP, giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 40,4%; dự kiến 2016 - 2020 đạt 40,5%; vượt chỉ tiêu đề ra của chương trình là 35% vào năm 2020; góp phần cải thiện xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam.

Ngoài ra, Chương trình đã góp phần hình thành Hệ thống TCVN với khoảng gần 13.000 TCVN đạt tỉ lệ gần 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế bao trùm hầu hết các lĩnh vực, là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý chất lượng phục vụ sản xuất kinh doanh và thương mại. Ngoài việc tập trung xây dựng TCVN phục vụ đối tượng sản phẩm hàng hóa trọng điểm, Bộ KH&CN đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai xây dựng TCVN cho các nhóm đối tượng chiến lược như: đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo,…

Chương trình cũng đã biên soạn, biên tập phát hành 40 đầu sách với hơn 50.000 bản và hơn 120 loại tài liệu phổ biến, hướng dẫn, đào tạo về NSCL cho các đối tượng khác nhau. Việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều tất yếu đối với cộng đồng DN để tồn tại và phát triển trên thương trường. Bởi yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường ngày càng mở rộng, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao NSCL sản phẩm thông qua việc thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ tiên tiến, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều đó, nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hoá là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của DN.

Sản xuất đèn Led - SMD tại Cty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông - một trong những công ty có nhiều thành công về NSCL.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

www.most.gov.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ