Xác định và đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ TP. Cần Thơ đến năm 2020
Ngày 01/11/2017, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ đã thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài “Xác định và đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ TP. Cần Thơ đến năm 2020” do PGS.TS. Võ Thành Danh – Trưởng Khoa Kinh tế Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ làm cơ quan chủ trì.
Mục tiêu của đề tài là đánh giá, xác định các sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), phân tích và dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ (SPHT) chủ lực của ngành CNHT đã được xác định trên địa bàn TP. Cần Thơ. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng và các giải pháp phát triển ngành CNHT của TP. Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
PGS. TS Võ Thành Danh báo cáo đề tài
Nghiên cứu này đánh giá thực trạng phát triển ngành CNHT dựa trên phân tích khía cạnh cung và cầu các SPHT của các ngành công nghiệp chủ yếu trên địa bàn TP. Cần Thơ. Dựa trên phân tích cầu, các SPHT chủ lực được nhận dạng. Đối tượng nghiên cứu chính là các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất có quá trình tổ chức cung ứng, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghiệp.
Đề tài sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên để chọn mẫu điều tra. Từ danh sách 6.058 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư TP. Cần Thơ ban đầu chọn ra 10% số doanh nghiệp – phân theo ngành công nghiệp – để khảo sát. Kết quả thực tế chỉ chọn được 326 doanh nghiệp, phần lớn tập trung tại các địa bàn có nhiều doanh nghiệp như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt.
Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu đặc điểm mẫu khảo sát, yếu tố thị trường, dự tính mở rộng kinh doanh và đầu tư, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và dự báo xu hướng phát triển của 12 ngành công nghiệp phụ trợ của TP. Cần Thơ, bao gồm: CNHT ngành dệt may; CNHT ngành da giày; CNHT ngành chế biến thực phẩm, đồ uống; CNHT ngành công nghiệp năng lượng; CNHT ngành cơ khí chế tạo, CNHT ngành sản xuất nhựa gia dụng, bao bì, chai, ống, nhựa kỹ thuật; CNHT ngành hóa chất cơ bản, phân bón; CNHT ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; CNHT ngành hóa dược, hóa mỹ phẩm; CNHT ngành sản xuất, gia công kim loại; CNHT ngành chế biến nông sản; CNHT ngành chế biến thủy sản.
Nhu cầu và khả năng cung ứng về sản phẩm hỗ trợ qua kết quả khảo sát cho thấy có rất nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nhu cầu nhiều về các sản phẩm CNHT. Sự đa dạng của các SPHT cho thấy Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển ngành CNHT trong thời gian tới. Nhìn chung, các doanh nghiệp đánh giá mức độ đảm bảo về số lượng và chất lượng của các nguồn cung cấp đầu vào là rất tốt. Mức độ đáp ứng về giá cả và phù hợp công nghệ đối với nguyên liệu, thành phẩm, bán thành phẩm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh cũng được hầu hết doanh nghiệp đánh giá từ trung bình đến cao. Vai trò của ngành CNHT đối với quyết định mở rộng kinh doanh và đầu tư không cao. Đánh giá về khả năng cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp cho rằng nguồn cung ứng đầu vào sẵn có là yếu tố quan trọng nhất trong khi yếu tố nguồn nhân lực được đánh giá không cao.
Hội đồng nghiệm thu đề tài
Qua quá trình nghiên cứu, ban chủ nhiệm đã đề xuất một số giải pháp để phát triển ngành CNHT như sau:
- Xác định cụ thể các ngành công nghiệp mũi nhọn trước khi xây dựng các chính sách cho CNHT. Các ngành công nghiệp này cần được xây dựng trên cơ sở tính toán các lợi thế cạnh tranh mang tính tổng hợp của vùng và thành phố. Trên cơ sở chiến lược công nghiệp mũi nhọn sẽ hình thành mạng lưới các hoạt động của CNHT và công nghiệp liên quan. Xác định phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của Cần Thơ theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn 2017 – 2020 tập trung phát triển các ngành công nghiệp: chế biến nông sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp dệt may; da giày. Trong giai đoạn 2020 – 2030 tập trung phát triển các ngành công nghiệp: điện, điện tử, viễn thông, công nghê thông tin; cơ khí chế tạo, gia công kim loại và sản xuất công nghệ cao.
- Xây dựng đề án “Chiến lược phát triển CNHT TP. Cần Thơ đến năm 2025, tầm nhìn 2035”. Nội dung đề án cần giải quyết cả bốn yêu cầu phát triển: các điều kiện đầu vào (vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, cộng đồng kinh doanh); các điều kiện đầu ra (thị trường, sức mua, hệ thống hỗ trợ, …) các thể chế hỗ trợ và giám sát cạnh tranh; các ngành công nghiệp liên quan, các doanh nghiệp hỗ trợ (cung cấp nguyên vật liệu), các trung tâm nghiên cứu và đào tạo…
- Thu hút các doanh nghiệp chủ chốt làm động lực cho CNHT và chuyển giao cách thức quản trị dựa trên liên kết và phối hợp; tạo ra các điều kiện tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa, một chủ thể kinh tế không thể thiếu vắng trong ngành CNHT.
- Xây dựng đề án “Cơ sở dữ liệu ngành CNHT TP. Cần Thơ” nhằm phát triển hệ sinh thái kinh doanh ngành CNHT, tạo sự hỗ trợ tổng thể cho toàn bộ hệ thống (các doanh nghiệp chủ chốt, các doanh nghiệp hỗ trợ, hệ thống kiên kết, hệ thống thông tin) với bên ngoài và các thị trường khác thông qua thông tin, trao đổi, liên kết và đào tạo.
- Kết nối doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa trong việc phát triển sản xuất SPHT thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng SPHT và hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp.
Hội đồng nhất trí thông qua đề tài.