Hội thảo khoa học “Môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” lần 3
Ngày 24/11/2017 tại Trung tâm Học liệu – ĐH Cần Thơ đã diễn ra hội thảo khoa học “Môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” lần 3.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết các hoạt động, chia sẻ các kết quả, cũng như định hướng nghiên cứu khoa học về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu của các nhà khoa học đang công tác tại Khoa MT&TNTN và Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ cùng các nhà khoa học đang công tác ở các viện, trường trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu tham dự
Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, viện, trường trong và ngoài đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo lần này được chia làm 3 tiểu ban chuyên môn:
Tiểu ban 1: Quan trắc, dự báo và xử lý ô nhiễm. Trong tiểu ban này, các diễn giả đã chia sẻ các nghiên cứu của mình trong các nội dung: Đánh giá tính tổn thương đối với đất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển ĐBSCL; Ảnh hưởng dạng đạm vô cơ lên khả năng sinh trưởng và xử lý đạm của cỏ mồm mỡ; So sánh ảnh hưởng của việc sử dụng đơn lẻ và kết hợp hoạt chất fenobucard và chlorpyrifosethyl cho lúa đến cholinesterase ở cá lóc sống trên ruộng; So sánh hai mô hình ISCST3 và AERMOD trong việc mô phỏng sự khuếch tán chất ô nhiễm không khí: nghiên cứu tại khu công nghiệp Hiệp Phước; So sánh khả năng dự đoán chất lượng nước sông Đồng Nai bằng mạng nơ ron nhân tạo và lý thuyết xám; Giải pháp loại bỏ crom trong xử lý nước thải thuộc da cá sấu.
PGs. Ts. Văn Phạm Đăng Trí báo cáo keynote của tiểu ban
Tiểu ban 2: Quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường. Trong tiểu ban này, các diễn giả đã chia sẻ các nghiên cứu của mình trong các nội dung: Hình thái và tính chất lý, hóa học đất phèn vùng Đồng Tháp Mười; Đánh giá tiềm năng suy giảm độ phì nhiêu đất tỉnh An Giang; Đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong vùng đê bao khép kín, trường hợp nghiên cứu tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; Đánh giá các tiêu chí của công nghệ cao trong sản xuất lúa và rau màu ở huyện Thoại Sơn và Châu Phú, An Giang; Xây dựng mô hình hỗ trợ bố trí đất nông nghiệp – trường hợp nghiên cứu ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Tiểu ban 3: Tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Trong tiểu ban này, các diễn giả đã chia sẻ các nghiên cứu của mình trong các nội dung: Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các yếu tố kinh tế - xã hội tác động đến sản xuất nông nghiệp huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; Đánh giá tính chất nước trong mương kiểu sử dụng đất trồng keo lai và tràm tại U Minh Hạ, Cà Mau; Tác động của khai thác nước dưới đất đến biến động mực nước dưới đất thành phố Cần Thơ; Ứng dụng phương pháp phân tích cụm và phân tích biệt số đánh giá nhiễm mặn tầng chứa nước Pleistocen ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Xây dựng phương pháp quản lý nước tưới hiệu quả cho vùng canh tác lúa khu vực cánh đồng mẫu huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Các đại biểu và các diễn giả đã nhiệt tình thảo luận sôi nổi các vấn đề về biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo