Đánh giá giữa kỳ đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp hoàn thiện mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố tại TP Cần Thơ”
Sáng ngày 23/8/2019, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá giữa kỳ đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp hoàn thiện mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố tại TP Cần Thơ” do BS.CKII. Nguyễn Trung Nghĩa và PGS.TS.Huỳnh Văn Bá đồng chủ nhiệm. Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ là cơ quan chủ trì. Thời gian thực hiện là 24 tháng, từ tháng 9/2017 đến hết tháng 8/2019.
Toàn cảnh buổi đánh giá giữa kỳ.
Qua thời gian triển khai, đề tại đã thực hiện các nội dung về xây dựng thuyết minh và thông qua Hội đồng khoa học. Thu thập dữ liệu thứ cấp liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và thực phẩm đường phố về số liệu thống kê; số liệu thống kê của Cục Thống kê; số liệu về an toàn vệ sinh thực phẩm của Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố và quận huyện; số liệu về cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống có liên quan của Sở Công Thương; các vấn đề về môi trường liên quan thực phẩm của Sở Tài nguyên và Môi trường; các nghiên cứu về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều tra các nhóm đối tượng và phân tích số liệu đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố: 400 cơ sở trên các địa bàn của quận Ninh Kiều là 251 cơ sở, Cái Răng là 54 cơ sở, Ô Môn là 49 cơ sở và Bình Thủy là 47 cơ sở. Thời gian thực hiện từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018. Hoạt động điều tra bao gồm phỏng vấn trực tiếp và quan sát nơi tổ chức sản xuất và kinh doanh thức ăn theo 10 tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Bộ Y tế. Người tiêu dùng thức ăn đường phố: 400 người, tại các địa bàn Ninh Kiều 244 người, Ô Môn 38 người, Bình Thủy 60 người và Cái Răng 58 người. Cán bộ quản lý ngành: 24 người ở các cơ quan cấp thành phố, quận, phường về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Phân tích 03 bộ số liệu trên. Khảo sát bổ sung, chọn mẫu can thiệp: 200 cơ sở, trong đó, sử dụng 100 cơ sở của lần khảo sát 1, khảo sát và lấy mẫu thức ăn kiểm nghiệm borax, chuẩn bị cho hoạt động can thiệp. Tổ chức seminar thảo luận kết quả hiện trạng và thu thập ý kiến chuyên gia về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm để đánh giá đầy đủ về hiện trạng. Thực hiện 01/03 chuyên đề: “Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố Cần Thơ ". 02 chuyên đề còn lại thực hiện sau khi tiến hành can thiệp. Dự thảo mô hình can thiệp dựa trên Báo cáo chuyên đề 1. Tổ chức Hội thảo khoa học “Hiện trạng thực hiện mô hình ATVSTP của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và thu thập ý kiến chuyên gia cho các đề xuất giải pháp can thiệp”. Đăng bài cho tạp chí Y học Việt Nam (số tháng 1 và 2/2019, tập 476) với tiêu đề “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc đạt 10 tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố Cần Thơ”. Xây dựng kế hoạch và bước đầu triển khai hoạt động can thiệp cho mô hình 10 đạt.
Thành viên hội đồng.
Nhóm nghiên cứu.
Dự kiến thời gian tới, đề tài sẽ triển khai mô hình can thiệp “10 đạt” đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Chọn mẫu can thiệp để đánh giá trước can thiệp và cam kết thực hiện; đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố và xử lý vi phạm thông qua hình thức tập huấn cho các cơ sở kinh doanh. Tập huấn cho cán bộ quản lý công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố. Đánh giá sau can thiệp và thực hiện 2 chuyên đề: “Giải pháp nâng cao chất lượng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố”; “Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, nâng cao chất lượng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố và nhân rộng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường tại TP Cần Thơ”. Hoàn thiện báo cáo tổng kết. Đăng tạp chí khoa học Cần Thơ; tạp chí Đại học Y dược Cần Thơ và tạp chí quốc tế về thức ăn đường phố. Nghiệm thu nội bộ và các hoạt động hoàn tất đề tài. Tổ chức hội nghị công bố và chuyển giao kết quả đề tài.
Hội đồng đánh giá giữa kỳ đề tài chậm tiến độ so với thuyết minh, Ban chủ nhiệm cần chỉnh sửa lại một số nội dung theo góp ý của thành viên hội đồng. Đồng thời, đồng ý cho Ban chủ nhiệm gia hạn thêm thời gian thực hiện.