Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ - Hoạt động quản lý nhiệm vụ KH&CN tháng 5/2020
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trong tháng 5/2020, Sở Khoa học & Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức các Hội đồng Khoa học về nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa bàn thành phố.
Ban Chủ nhiệm dự án Nghiên cứu đánh giá kết quả phẫu thuật tái tạo hình vú tức thì bằng vạt da cơ lưng rộng trong điều trị ung thư tuyến vú giai đoạn I-II tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ năm 2015-2017 báo cáo tại cuộc họp
Nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu đánh giá kết quả phẫu thuật tái tạo hình vú tức thì bằng vạt da cơ lưng rộng trong điều trị ung thư tuyến vú giai đoạn I-II tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ năm 2015-2017”
Đề tài do BS CKII. Huỳnh Thảo Luật làm chủ nhiệm. Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ trì đề tài.
Qua khảo sát 60 bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 1-2 được đoạn nhũ chừa núm vú - tái tạo bằng vạt da cơ lưng rộng tại bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ từ tháng 11/2016 - 4/2020, đề tài có những kết luận sau:
1. Đặc điểm bệnh nhân và kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân là 42 tuổi (29-60); Kích thước bướu trung bình là 2,5cm (1-5cm); 63,3% bệnh nhân có chỉ số BMI < 25 (không thừa cân); 55% bệnh nhân thuộc nhóm sinh học Luminal A; Trung vị thời gian theo dõi là 30 tháng (20-48 tháng); Tỷ lệ biến chứng sau mổ gộp chung là 8,4%,bao gồm 1,7% nhiễm trùng và 6,7% tụ dịch vùng lưng; Tỷ lệ thẩm mỹ sau mổ 24 tháng: 63,8% loại xuất sắc, 20,7% loại tốt, 15,5% loại khá; Tỷ lệ tái phát tại chỗ - tại vùng chiếm 5% di căn xa chiếm 8,3%; Tỷ lệ sống còn không bệnh là 90% và sống còn toàn bộ là 96,7%; Chất lượng cuộc sống bệnh nhân sau mổ đoạn nhũ chừa núm vú - tái tạo tức thì là chấp nhận được.
2. Các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị: Yếu tố liên quan đến kết quả sống còn không bệnh là thụ thể nội tiết và tình trạng di căn hạch nách; liên quan sống còn toàn bộ là thụ thể nội tiết; Yếu tố liên quan đến kết quả thẩm mỹ: biến chứng mổ, bệnh nhân thừa cân (BMI > 25).
Với kết quả như trên, nghiên cứu rút ra kết luận chung là phẫu thuật đoạn nhũ chừa núm vú - tái tạo tức thì cho ung thư vú giai đoạn I - II được xem như là chỉ định phù hợp về ung thư học và đạt tỷ lệ thẩm mỹ chấp nhận được.
Từ những kết quả đạt được của đề tài, hội đồng khoa học đánh giá cao tính khoa học cũng như hiệu quả về mặt ung thư học, yếu tố thẩm mỹ mang lại của đề tài. Từ đó, các thành viên khoa học thống nhất nghiệm thu đề tài và xếp loại nghiệm thu xuất sắc.
Xét duyệt Dự án Phát triển thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt
Dự án do ThS. Nguyễn Thanh Điền làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt, qua đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể Ban chủ nhiệm Dự án hướng đến việc nâng cao năng lực về nhận dạng, xác lập, quản lý và phát triển thương hiệu cho nông dân, các cơ quan thực hiện hoạt động quản lý, khai thác thương hiệu; định vị thương hiệu cho sản phẩm Gạo sạch Thạnh Đạt trong tâm trí người tiêu dùng; minh bạch hóa hệ thống thông tin và xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, từ đó tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng; từng bước đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nền tảng vững chắc để khẳng định và phát triển thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt.
Nội dung thực hiện của Dự án bao gồm: đào tạo nâng cao năng lực về nhận dạng, xác lập, quản lý và phát triển thương hiệu; xây dựng hệ thống nhận dạng thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt; xây dựng kênh thông tin về thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt; truyền thông phát triển thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt.
Dự kiến kết quả mang lại từ dự án: phát triển thành công hệ thống nhận dạng thương hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt; kênh thông tin về Gạo sạch Thạnh Đạt; hệ thống lưu trữ thông tin sản phẩm; thông tin về Gạo sạch Thạnh Đạt được chia sẻ rộng rãi trên các kênh truyền thông…
Tuyển chọn đề tài “Nghiên cứu tình hình, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị tiệt trừ Helicobacter Pylori ở trẻ viêm, loét dạ dày - tá tràng từ 6-15 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ”
Đề do PGS.TS.BS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ làm chủ nhiệm. Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định tỷ lệ Helicobacter Pylori trên bệnh nhân có viêm loét dạ dày tá tràng từ 6 đến 15 tuổi; Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của viêm loét dạ dày - tá tràng do Helicobacter Pylori ở trẻ từ 6-15 tuổi; Đánh giá kết quả điều trị viêm loét dạ dày-tá tràng do Helicobacter Pylori và xác định yếu tố liên quan kết quả điều trị ở trẻ từ 6 đến 15 tuổi; Xác định tỷ lệ Helicobacter Pylori có mang gen kháng thuốc.
Nội dung nghiên cứu bao gồm mô tả đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố dịch tễ liên quan đến nhiễm Helicobacter Pylori; Xác định tỷ lệ nhiễm Helicobacter Pylori, đặc điểm hình ảnh nội soi trên bệnh không có viêm loét dạ dày- tá tràng ở trẻ từ 6 đến 15 tuổi; Đánh giá kết quả điều trị viêm loét dạ dày tá - tràng do Helicobacter Pylori và xác định yếu tố liên quan kết quả điều trị ở trẻ từ 6 đến 15 tuổi.
Đề tài được thực hiện bước đầu sẽ mở ra việc điều trị Hp ở trẻ em; Các số liệu trong nghiên cứu sẽ là tài liệu tham khảo và giảng dạy ở trường Đại học Y dược trên toàn quốc; giúp các nhà hoạch định chính sách y tế có chiến lược thích hợp trong việc phòng ngừa tình trạng nhiễm và kháng thuốc của Helicobacter Pylori cũng như đưa ra những khuyến cáo trong chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả, ngăn ngừa diễn tiến của ung thư; cung cấp cứ liệu khoa học cho việc triển khai các nghiên cứu tiếp theo cũng như các số liệu cho việc giảng dạy tại các trường y khoa.
Xét duyệt Dự án “Quản lý và Phát triển nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới, huyện Phòng Điền, thành phố Cần Thơ”
Dự án do Ts. Lê Văn Bảnh làm chủ nhiệm, Ths. Nguyễn Thanh Vũ đồng chủ nhiệm, Viện KH&CN Mekong là đơn vị chủ trì thực hiện.
Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng mô hình quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể sầu riêng Tân Thới, giúp nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Các nội dung chủ yếu của Dự án bao gồm: Điều tra khảo sát tình hình sản xuất tiêu thụ và phát triển thị trường của sầu riêng Tân Thới; thiết lập mô hình tổ chức, quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể sầu riêng Tân Thới; Triển khai thực hiện kiểm tra chất lượng hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; đánh giá hiệu quả mô hình và đề xuất giải pháp nâng cao giá trị cho sản phẩm sầu riêng Tân Thới.
Khảo nghiệm mô hình dự án "Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại TP. Cần Thơ" tại Cù Lao Tân Lộc, P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ”
Dự án do Trường đại học Cần Thơ làm cơ quan chủ trì, PGS.TS Đào Ngọc Cảnh là chủ nhiệm Dự án.
Vườn Lan tại Cù lao Tân Lộc
Mục tiêu của dự án là nhằm đánh giá mô hình du lịch công đồng tại địa phương, từ đó đề xuất mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng trên cơ sở cải tiến mô hình hiện có, đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình, góp phần phát triển bền vững du lịch cộng đồng tại thành phố Cần Thơ.
Tại nhiều địa điểm khảo sát để phát triển mô hình thí điểm du lịch cộng đồng, Ban chủ nhiệm Dự án đã chọn cù lao Tân Lộc làm nơi triển khai.
Qua hơn hai năm thực hiện, Ban chủ nhiệm Dự án đã hoàn thành các nội dung: hoàn thành điều tra, khảo sát thực địa, thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch, tổ chức các hội thảo khoa học, thành lập ban đại diện du lịch cộng đồng, các tổ dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, thiết kế và tổ chức chương trình du lịch cộng đồng tại cù lao Tân Lộc.
Nhìn chung, Dự án đã xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng với cơ chế tổ chức chặt chẽ với Ban quản lý điều hành hoạt động du lịch thông qua Ban đại diện du lịch cộng đồng cù lao Tân Lộc, Mô hình dự án đã tạo được sự liên kết, niềm tin giữa các hộ dân tham gia mô hình, từ đó mạnh dạn khai thác nguồn lực sẵn có của gia đình, kết hợp cải tạo nâng cấp, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch tại địa phương.
Vân Anh (T/h)
Sở Kh&CN TP. Cần Thơ