Nghiệm thu dự án “Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại thành phố Cần Thơ”
Ngày 5/6/2020, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu dự án “Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại thành phố Cần Thơ” do PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh làm chủ nhiệm. Trường Đại học Cần Thơ là cơ quan chủ trì.
Toàn cảnh buổi họp nghiệm thu dự án
Ngày nay, du lịch cộng đồng đang trở thành xu thế phổ biến trên thế giới do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa gia tăng ngày càng mạnh mẽ đã thức đẩy du khách tìm về những vẻ đẹp bình dị, không khí trong lành và những giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo là những nơi mà làn sóng văn minh đô thị chưa tác động tới.
Mặc dù là thành phố trực thuộc trung ương, nhưng với tính chất là một đô thị sông nước miệt vườn, Cần Thơ có rất nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nhất là các cù lao xanh tươi, trù phú nằm giữa dòng sông Hậu - một trong hai nhánh của sông Mekong hùng vĩ. Tìềm năng du lịch cộng đồng của thành phố Cần Thơ khá phong phú dựa trên những giá trị về cảnh quan sông nước miệt vườn và các di tích lịch sử văn hóa, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và sự thân thiện, mến khách của người dân.
Cù lao Tân Lộc thuộc địa bàn phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ là một trong những địa bàn có nhiều triển vọng phát triển du lịch. Đến cù lao Tân Lộc khách du lịch sẽ được tận hưởng không khí trong lành, không gian rợp bóng cây xanh, được thưởng thức trái cây tươi ngon tại vườn. Đồng thời, cù lao Tân Lộc còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa với những di sản văn hóa gắn liền với lịch sử khai thác vùng đất này cách đây khoảng 4 thế kỷ. Đây chính là những tài nguyên du lịch quý báu để phát triển du lịch ở cù lao Tân Lộc, đưa cù lao này trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Cần Thơ nói chung và cù lao Tân Lộc nói riêng cũng còn không ít khó khăn và thách thức như vốn kiến thức và kỹ năng du lịch của người dân còn hạn chế; đường sá giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật tuy có phát triển nhưng tập trung chủ yếu ở trung tâm; các hoạt động du lịch cộng đồng còn tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự phối hợp, gắn kết trong cộng đồng; vai trò của các doanh nghiệp đối với du lịch cộng đồng còn hạn chế. Nhìn chung, sự phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế hiện có của thành phố.
Dự án thực hiện nhằm mục tiêu phân tích, đánh giá mô hình du lịch công đồng tại địa phương, từ đó đề xuất mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng trên cơ sở cải tiến mô hình hiện có, đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình, góp phần phát triển bền vững du lịch cộng đồng tại thành phố Cần Thơ. Dự án đã đánh giá nguồn tài nguyên du lịch, phân tích thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Cần Thơ. Trên cơ sở đó, dự án đã lựa chọn cù lao Tân Lộc làm địa bản thí điểm để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Mô hình du lịch cộng đồng được xây dựng theo định hướng là phát huy những tiềm năng và điều kiện vốn có trên địa bàn kết nối với các địa bàn lân cận để tạo nên sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn khách du lịch thông qua những sản phẩm du lịch đặc thù.
Thành viên hội đồng khoa học
Ban chủ nhiệm dự án
Để triển khai thực hiện mô hình, dự án đã phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Thốt Nốt thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch cù lao tân Lọc và đã triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thông qua các bước như: tổ chức tập huấn về du lịch cộng đồng cho người dân địa phương, thành lập Ban đại diện du lịch cộng đồng và các tổ dịch vụ về du lịch cộng đồng như tổ hướng dẫn, tổ dịch vụ lưu trú, tổ dịch vụ ăn uống, tổ văn nghệ, tổ dịch vụ mua sắm đặc sản địa phương.
Dự án cũng thiết kế và tổ chức tour du lịch cộng đồng cho các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp lữ hành treden trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Nhìn chung, khách tham quan các tour này đều đánh giá cao về tính đặc sắc của cảnh quan sông nước miệt vườn, không khí trong lành và sự thân thiện mến khách của người dân. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch,nhất là đường bộ trên cù lao quá hẹp nên đi lại trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tuy nhiên mức độ hài lòng của khách tham quan các tour thử nghiệm là khá cao, đạt 4,2 trên 5 bậc đánh giá (theo thang Likert 5 mức độ).
Nhìn chung, sau hai năm triển khai thực hiện, dự án đã xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng với cơ chế tổ chức quản lý điều hành hoạt động du lịch thông qua Ban đại diện du lịch cộng đồng phường Tân Lộc và các tổ dịch vụ du lịch cộng đồng. Bước đầu đã tạo ra niềm tin cho các hộ tham gia du lịch cộng đồng, từ đó người dân đã mạnh dạn khai thác nguồn lực sẵn có của gia đình kết hợp cải tạo, nâng cấp và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Các doanh nghiệp lữ hành đã quan tâm giới thiệu, quảng bá cho du lịch cộng đồng ở cù lao Tân Lộc và đưa khách đến tham quan ngày càng nhiều. Vì vậy, lượng khách đến cù lao Tân Lộc tăng lên rõ rệt.
Bên cạnh những kết quả bước đầu như trên, nhóm thực hiện còn đưa ra những tồn tại hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: Chưa hình thành được dịch vụ homestay nên khả năng thu hút và giữ khách tại cù lao Tân Lộc còn hạn chế. Chưa xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm trên cù lao, nhất là tại các di tích lịch sử văn hóa như đình Tân Lộc, Hảo Hòa tự, nhà cổ họ Trần…Chưa phát triển được các loại phương tiện giao thông để phục vụ nhu cầu vận chuyển khách tham quan du lịch trên cù lao Tân Lộc.
Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án đã có nhiều kiến nghị để phát triển du lịch cộng đồng đối với cù lao Tân Lộc và du lịch cộng đồng của thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án đã có nhiều kiến nghị để phát triển du lịch cộng đồng đối với cù lao Tân Lộc và du lịch cộng đồng của thành phố Cần Thơ. Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của dự án và thống nhất nghiệm thu.
vtvanh
Sở KH&CN TP. Cần Thơ