Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp hoàn thiện mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố tại TP. Cần Thơ”
Chiều ngày 11/8/2020, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp hoàn thiện mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố tại TP. Cần Thơ” do do BS.CKII. Nguyễn Trung Nghĩa và PGS.TS.Huỳnh Văn Bá đồng chủ nhiệm. Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ là cơ quan chủ trì. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2020.
Đề tài thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố tại TP. Cần Thơ; Can thiệp hoàn thiện 01 mô hình thí điểm cải thiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại TP. Cần Thơ; Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, nâng cao chất lượng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố và nhân rộng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố tại TP. Cần Thơ.
Thành viên hội đồng
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện những nội dung: Đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại TP. Cần Thơ, tình hình thực hiện 10 tiêu chí theo Quyết định số 3199/2000/QĐ-BYT ngày 11 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tiêu chuẩn cơ sở vệ sinh an toàn thức ăn đường phố, Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 về điều kiện an toàn thực phẩm đối với CSKD dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe; Can thiệp các mô hình dựa trên kết quả nhận diện các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố, nhằm đánh giá hiệu quả giữa các mô hình và chọn mô hình tối ưu trong việc cải thiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố để nhân rộng; Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, nâng cao chất lượng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố và nhân rộng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố tại TP. Cần Thơ.
Qua thời gian triển khai đề tài, có 06/10 tiêu chí an toàn thực phẩm đạt dưới 50%, hầu hết các cơ sở kinh doanh lưu động đạt thấp hơn cơ sở kinh doanh cố định; có 7 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đạt 10 tiêu chí của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó, các yếu tố có tương quan thuận gồm có vốn kinh doanh, cơ sở kinh doanh hiểu các nguyên nhân gây ô nhiễm, nhận thức sự cần thiết để tập huấn kiến thức và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được chứng nhận đủ điều kiện. Ngược lại, 03 biến “tuổi”, “hình thức kinh doanh” và “loại hình kinh doanh” có tương quan nghịch với khả năng đạt 10 tiêu chí của cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; kết quả đánh giá hiện trạng giúp đề tài nhận diện ra 03 mô hình kinh doanh thức ăn đường phố là mô hình truyền thống (Mô hình 1) gồm những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cố định xen lẫn với các cơ sở kinh doanh lưu động (xe đẩy, hàng rong,…), xen lẫn với nhà ở của dân cư và các văn phòng. Là mô hình ở các phường: An Cư (đường Đề Thám, Nguyễn Khuyến), Hưng Phú (từ cầu Quang Trung đến siêu thị Big C), Lê Bình (chợ Cái Răng), Trà Nóc (đường Nguyễn Chí Thanh, đối diện KCN Trà Nóc), Xuân Khánh (bờ kè Xuân Khánh và Châu Văn Liêm (đường Châu Văn Liêm); Mô hình khu phố chuyên kinh doanh thức ăn đường phố do nhà nước quản lý (mô hình 2), tập trung các cơ sở kinh doanh thức ăn đường lưu động do nhà nước quản lý, là mô hình của phường Tân An (khu vực chợ Hàng Dừa); Mô hình khu phố chuyên kinh doanh thức ăn đường do tư nhân quản lý (mô hình 3), tương tự như mô hình 2 nhưng do tư nhân quản lý, là mô hình của phường Cái Khế (chợ đêm Sông Hậu).
Nhóm nghiên cứu
Đại biểu
Chọn 300 cơ sở kinh doanh trên địa bàn để kiểm định Borax và đánh giá trước can thiệp, với kết quả Borax là 7/300 mẫu dương tính (2,33%). Các hoạt động can thiệp diễn ra trong 12 tháng với 3 tháng chuẩn bị và 9 tháng triển khai gồm tập huấn cho cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tập huấn cán bộ quản lý, treo băng rôn, đăng báo Cần Thơ, phát thanh. Kết quả sau can thiệp (tỷ lệ rút khỏi nghiên cứu là 7,5%, số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đạt 10 tiêu chí cải thiện từ 0/295 cơ sở kinh doanh (0,00) lên 12/259 (4,63%), có sự gia tăng số lượng cơ sở kinh doanh đạt từ 6-9 tiêu chí và giảm đáng kể số lượng kinh doanh đạt từ 1-5 tiêu chí; có 8/10 tiêu chí được các cơ sở kinh doanh cải thiện; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố lưu động có sự cải thiện 10/10 tiêu chí, trong khi cơ sở kinh doanh thức ăn đường cố định chỉ 6/10 tiêu chí (giảm ở tiêu chí 1, tiêu chí 4, tiêu chí 5, tiêu chí 6); khoảng cách được rút ngắn và đặc biệt có tới 04 tiêu chí cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố lưu động đạt cao hơn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cố định. Nguyên nhân của kết quả đảo chiều này là do các biện pháp can thiệp tập trung vào việc cải thiện các hạn chế của cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố lưu động, với biện pháp truyền thông tại các điểm tập trung các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố như chợ đêm Hàng Dừa (Tân An), chợ đêm Trần Phú (Cái Khế),… bằng cách phát loa di động. Đồng thời, kết hợp với các biện pháp: tập huấn, treo băng rôn, truyền thông trên Báo Cần Thơ và phát cho các cơ sở bảng in,… tất cả các biện pháp đều mang tính tập trung, đồng loạt trong thời gian thực hiện can thiệp; kết quả xét nghiệm Borax chỉ còn 01/259 mẫu dương tính và trong 03 mô hình kinh doanh thức ăn đường phố, kết quả sau can thiệp cho thấy mô hình 3 đạt cải thiện cao nhất với mức độ cải thiện từ đạt 0-5 tiêu chí lên 6-10 tiêu chí là 54,8%, kế đến là mô hình 2 (41,5%), mô hình 1 (dưới 41%). Mô hình 3 được xem là mô hình hiệu quả nhất, đồng bộ về kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, thực hiện các quy định trong an toàn thực phẩm và sự linh hoạt trong giải pháp cải thiện an toàn thực phẩm và các hoạt động truyền thông.
Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa và bổ sung thêm một số nội dung báo cáo theo góp ý của thành viên hội đồng.
ctngoc