Nghiệm thu dự án “Đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp phòng chống HIV (Human immunodeficiency virus)/STD (sexually transmitted diseases) trên nhóm MSM (Men who have Sex with Men) tại thành phố Cần Thơ”
Chiều ngày 22/10/2020, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu dự án “Đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp phòng chống HIV (Human immunodeficiency virus )/STD (sexually transmitted diseases) trên nhóm MSM (Men who have Sex with Men) tại thành phố Cần Thơ” do ông Nguyễn Quang Thông và bà Bùi Thị Lệ Phi đồng chủ nhiệm. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Cần Thơ là cơ quan chủ trì.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Dự án được thực hiện nhằm mô tả thực trạng hành vi nguy cơ cao trên nhóm nam giới quan hệ tình dục đồng giới (MSM); xác định tỷ lệ nhiễm HIV/STI và các yếu tố liên quan trên nhóm MSM tại TP. Cần Thơ; đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS trên nhóm MSM tại TP. Cần Thơ.
Thành viên hội đồng nghiệm thu
Qua thời gian triển khai dự án kết quả cho thấy, thực trạng hành vi nguy cơ cao trên nhóm MSM có tỷ lệ đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) biết các phương pháp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS tăng lên so với trước can thiệp (TCT): Tỷ lệ ĐTNC hiểu sai đường lây truyền HIV giảm so với TCT. TCT có 76,9% có kiến thức đúng về HIV/AIDS, sau can thiệp (SCT) kiến thức đúng tăng lên 79,5%; Tỷ lệ sử dụng bao cao su (BCS) khi quan hệ tình dục (QHTD) qua đường hậu môn với bạn tình nam giới trong tháng qua tất cả các lần TCT là 53,1%, SCT tăng lên 54,3%, tỷ lệ có sử dụng bao cao su (BCS) khi QHTD qua đường hậu môn với bạn tình nam giới trong lần gần nhất TCT là 65,9%, SCT tăng lên 67,1%; ĐTNC có khuynh hướng tình dục là lưỡng giới TCT tỷ lệ là 15,9%, SCT là 14,9%; Tỷ lệ ĐTNC đã từng sử dụng ma túy là 2,3% TCT và SCT là 2,1%. Tỷ lệ QHTD với nhiều bạn tình cùng lúc TCT là 2,8%, SCT là 4,4%; Tỷ lệ đối tượng MSM thực hành đúng phòng, chống HIV/STI tăng lên SCT (TCT thực hành đúng đạt 65,9%, SCT thực hành đúng đạt 66,9%).
Nhóm nghiên cứu
- Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/STI trên nhóm MSM: có tỷ lệ nhiễm HIV/TCT và SCT lần lượt là 138% và 16,4%; tỷ lệ hiện mắc giang mai TCT là 4,9% và SCT là 14,9%; tỷ lệ đồng nhiễm HIV và giang mai: TCT là 2,3% và SCT là 7,7%.
- Yêu tố liên quan đến nhiễm HIV/STI trên nhóm MSM: Yếu tố liên quan với gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV là nhóm tuổi trẻ <18 tuổi (so với nhóm 25 tuổi trở lên); nghề nghiệp không phải là học sinh, sinh viên (dịch vụ, kinh doanh, nhân viên văn phòng, cán bộ,…) (so với hoc sinh, sinh viên); tình trạng hôn nhân: có sống chung với bạn tình nam (so với nhóm độc thân); Biết có bạn MSM bị nhiễm HIV; Là mại dâm hoặc QHTD với mại dâm nam (QHTD phải trả tiền hoặc được nhận tiền); Có từ 3 bạn tình trở lên trong 12 tháng qua (so với có 1 bạn tình); Không luôn luôn sử dụng BCS (nhóm thường xuyên sử dụng) (so với nhóm luôn luôn sử dụng) với P<0,05. Yếu tố liên quan với gia tăng tỷ lệ mắc giang mai là nhóm tuổi trẻ <18 tuổi (so với nhóm 25 tuổi trở lên); Nghề nghiệp không phải là học sinh, sinh viên (dịch vụ, kinh doanh, nhân viên văn phòng, cán bộ,…) (so với học sinh, sinh viên); Là mại dâm hoặc QHTD với mại dâm nam (QHTD phải trả tiền hoặc được nhận tiền), với P<0,05.
- Hiệu quả mô hình can thiệp phòng, chống HIV/STI trên nhóm MSM: Kết quả can thiệp do chương trình phòng, chống HIV/AIDS thành phố thực hiện: Tiếp tục duy trì hoạt động của 21 nhóm tiếp cận MSM tại cộng đồng và các trường học. Số BCS được cấp miễn phí là 765.932 chiếc và số bơm kim tiêm được phát miễn phí là 463.632 chiếc, cấp phát 636.659 tờ rơi tuyên truyền cho các đối tượng. Số MSM được tư vấn tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV trên địa bàn là 2.541 người, trong đó số HIV (+) là 458 người, tư vấn chuyển gửi đến các phòng khám ngoại trú là 388 người. Triển khai 01 tài khoản Facebook truyền thông dự án được thiết kế và hoạt động, có 40 thông điệp được đăng tải. Số MSM tiếp cận thông qua các tài khoản cá nhân là 19.864 lượt và có 2.008 lượt tương tác. Qua kết quả phân tích các số liệu của nghiên cứu cho thấy các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/STI trong nhóm MSM do dự án triển khai trên địa bàn TP.Cần Thơ, góp phần gia tăng tỷ lệ MSM tiếp cận với chương trình, tỷ lệ tư vấn xét nghiệm HIV tăng lên, một số hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV được MSM thực hiện tăng lên so với ban đầu. Để khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/STI nhiệm vụ đặt ra cho chương trình phòng, chống HIV/STI thành phố là tiếp tục duy trì hiệu quả các hoạt động can thiệp phòng chống HIV/AIDS trên nhóm MSM đã triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu dự án, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa lại một số nội dung trong báo cáo theo góp ý của thành viên hội đồng.
ctngoc