SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chi Cục Chăn nuôi và Thú y TP.Cần Thơ: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố được xếp loại xuất sắc

[18/06/2021 14:28]

Đề tài “Đặc điểm dịch tễ học và các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả heo Châu Phi tại thành phố Cần Thơ” do PGS.TS. Nguyễn Đức Hiền – Chi cục Chăn nuôi và Thú Y TP.Cần Thơ làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Sáng 17/6, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học TP. Cần Thơ do Tiến sĩ Trương Hoàng Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố làm chủ tịch hội đồng, đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài: “Đặc điểm dịch tễ học và các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả heo Châu Phi tại thành phố Cần Thơ” do đơn vị Chi Cục Chăn nuôi và Thú y TP.Cần Thơ thực hiện.

Thành viên hội đồng

Đề tài được thực hiện từ năm 2019 đến nay, với những nội dung cụ thể về tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi trên đàn heo TP. Cần Thơ;  Xác định yếu tố liên quan trong lan truyền bệnh và tác nhân đồng nhiễm hoặc kế phát với bệnh dịch tả heo châu Phi; Khảo sát một số giải pháp trong phòng bệnh Dịch tả heo châu Phi.

Cơ quan chủ trì và nhóm nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, năm 2019, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 45,57 % cơ sở chăn nuôi heo trong toàn thành phố Cần Thơ; Triệu chứng và bệnh tích của bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại TP.Cần Thơ với tỉ lệ chết cao >80%, heo sốt cao, da ửng đỏ, xuất huyết da, niêm mạc, lỗ tự nhiên. Nội tạng sung huyết và xuất huyết trầm trọng, khoang bụng chứa nhiều dịch lỏng; Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ASF trên heo tại TP. Cần Thơ là: Các cơ sở chăn nuôi ở gần nhau < 100m, gần chợ mua bán động vật (<3km), gần khu dân cư (<100m), gần đường giao thông chính (<200m), không sát trùng chuồng trại, có ruồi, muỗi, chuột, chim trong trang trại, các cơ sở nuôi gần lò giết mổ động vật; Kháng thể kháng ASFV trên heo tại các cơ sở chưa xảy ra dịch ASF là 33,77 % và heo tại các cơ sở đã xảy ra dịch là 48,67%; Có sự hiện diện của ASFV ở muỗi, ruồi, chuột ở các cơ sở đang và đã xảy ra dịch. Không phát hiện ở những cơ sở chưa xảy ra dịch; Các vi khuẩn đồng nhiễm hoặc bội nhiễm khi heo bệnh ASF là Streptococcus spp chiếm tỉ lệ cao nhất (70%). Các vi khuẩn khác Salmonella spp (16,67%) Pasteurella multocida (10 %) Haemophilus parasuis (6,67%), PRRS (3,33%); Sử dụng chế phẩm sinh học gồm: Tiêm Interferon 104-5UI/kgP, tuần đầu tiêm 3 lần/ tuần, sau đó 1 lần/tuần, kết hợp Oligo-β-glucan 1g/Kg thức ăn và Probiotic 2g/Kg thức ăn có hiệu quả trong gia tăng hệ miễn dịch tự nhiên, giảm sự xâm nhập hoặc nhân lên của ASFV trong cơ thể heo.

Hội đồng đã thống nhất đánh giá đề tài có tính cấp thiết, số liệu có tính tin cậy cao, không chỉ có ý nghĩa trong ngành chăn nuôi và thú y mà còn có ý nghĩa quan trọng trong các giáo trình đào tạo đại học và sau đại học. Hội đồng thống nhất nghiệm thu Đề tài với xếp loại xuất sắc.

ctngoc

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ