Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP. Cần Thơ
Sáng ngày 1/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ đã thành lập Hội đồng xét duyệt tổ chức, cá nhân chủ trì dự án sở hữu trí tuệ “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ. Hội đồng do ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ làm chủ tịch. Ông Nguyễn Tấn Nhơn làm chủ nhiệm dự án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ là cơ quan chủ trì thực hiện dự án.
Toàn cảnh buổi họp
Dự án thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP của TP. Cần Thơ, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận cho các chủ thể, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương.
Thành viên hội đồng
Dự kiến những nội dung sẽ thực hiện: Khảo sát, điều tra số liệu các bên có liên quan; Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho Chương trình OCOP và hệ thống nhận diện riêng cho từng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; Tập huấn nâng cao năng lực về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các bên liên quan; Tổ chức tham quan học tập tại Đà Nẵng và Quảng Nam; Xây dựng quy chế quản lý sản phẩm OCOP; Tổ chức các hội thảo, hoạt động giám sát và đánh giá.
Ban chủ nhiệm
Thông tin về sản phẩm OCOP:
Thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện Chương trình theo Quyết định số 2863/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Việc phát triển các sản phẩm, phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của thành phố, có lợi thế góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, thành phố Cần Thơ có 41 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và tiềm năng 5 sao của 19 chủ thể. Các sản phẩm OCOP của thành phố đã từng bước được thay đổi về hình thức và chất lượng sản phẩm và được thị trường công nhận. Tuy nhiên, các sản phẩm của thành phố Cần Thơ được bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế, cụ thể:
- Có 68%(13/19) chủ thể được chứng nhận nhãn hiệu;
- Có 32% (6/19) chủ thể có mã vạch;
- Chỉ 5% (1/19) chủ thể có chỉ dẫn địa lý;
- Và các chủ thể cũng chưa phát huy được bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm (tên sản phẩm, logo, slogan, bao bì,…).
Một số hình ảnh về sản phẩm OCOP của TP.Cần Thơ
Dự án được thực hiện sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các chủ thể khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Sản phẩm giá trị tăng ít nhất ≥10% so với trước Chương trình), mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm tăng ít nhất ≥ 10%. Nâng cao nhận thức cho chủ thể, doanh nghiệp, cấp quản lý và khách hàng đối với các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Giúp chủ thể minh bạch thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng; Khai thác phát triển thương hiệu để tạo dựng lòng tin đến khách hàng cũng như nâng cao vị thế cạnh tranh thương mại. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân và giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Hội đồng đánh giá cao thuyết minh của dự án và thống nhất thông qua. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm cần chỉnh sửa và bổ sung thêm một số nội dung theo góp ý của thành viên hội đồng.
ctngoc
Sở KH&CN TP. Cần Thơ