SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cần Thơ: Tiềm năng và cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp

[23/06/2022 10:50]

Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Hiện thành phố có những mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây, mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái, mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi, mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản... Điều đó cho thấy, nông dân và doanh nghiệp đã quan tâm và đón nhận công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. 

Tuy nhiên, hiện nay, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ là một vấn đề khá mới so với hiểu biết, nhận thức và trình độ sản xuất của người dân; tập quán canh tác, sản xuất của nông dân và doanh nghiệp nên việc ứng dụng chưa được sâu rộng, còn mang tính tự phát, quy mô ứng dụng còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa theo kịp định hướng. Nhiều mục tiêu, định hướng được xác định vẫn còn là những ý tưởng, chưa được đưa vào trong đời sống và sản xuất. Có thể nói, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mới, có thể thực hiện trong tất cả các khâu của quá trình từ quản lý nhà nước, tổ chức sản xuất, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thị trường…

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay, người dân, doanh nghiệp, người quản lý lĩnh vực nông nghiệp rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để tất cả các chủ thể quan tâm công nghệ số trong nông nghiệp thúc đẩy phát phát triển, giải quyết những vướn mắc của tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, một số giải pháp cần quan tâm như: Cần sự chung tay góp sức của các sở, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân.  Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ người sử dụng ứng dụng (nông dân), người hướng dẫn (các tổ hỗ trợ chuyển đối số cơ sở), công chức, viên chức liên quan… Đầu tư nguồn lực để xây dựng các ứng dụng phù hợp và chuyển giao các công nghệ gắn với tạo dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững. Doanh nghiệp công nghệ cần quan tâm, tìm hiểu và liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp để huy động nhiều nguồn lực xây dựng các dự án công nghệ số đáp ứng nhu cầu, lợi ích giữa các bên. 

Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức, tham gia các hoạt động hợp tác, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển nông nghiệp thông minh. Đẩy mạnh quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Nguồn: Báo cáo tham luận hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp"

ctngoc

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ