Cần Thơ tham gia đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ thăm và làm việc tại Pháp: Thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ Việt Nam-Pháp
Bộ Khoa học và Công nghệ có chuyến thăm và làm việc tại Pháp là nhằm cụ thể hoá kết quả chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 11/2021) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (tháng 7/2022).
Từ ngày 9 đến 12/9, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang làm trưởng đoàn, đã thăm và làm việc tại một số cơ quan và địa phương của Cộng hòa Pháp để tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm, mô hình quản lý, cơ chế chính sách trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ thăm và làm việc với Viện Sở hữu Công nghiệp Pháp
Tham gia đoàn công tác có Ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ cùng với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Sơn La, Thừa Thiên - Huế và Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đại diện văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Pháp cùng tham dự các hoạt động của đoàn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã có các buổi làm việc với Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI) và Viện Quốc gia về nguồn gốc và chất lượng (INAO); lãnh đạo thành phố Macon, thuộc tỉnh Bourgogne và Hiệp hội sản xuất rượu nho của thành phố; khảo sát thực tế tại Trường đào tạo dạy nghề Davayé, ở ngoại ô thành phố Macon, một cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp của Cộng hòa Pháp, chuyên về lĩnh vực đào tạo trồng, thu hoạch, chế biến rượu vang và phomai.
Ông Ngô Anh Tín (bên phải) cùng Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm Trường đào tạo dạy nghề Davayé ngoại ô thành phố Macon
Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ thăm và làm việc với Viện Quốc gia về nguồn gốc và chất lượng của Pháp
Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Thị trưởng thành phố Macon
Qua buổi làm việc, các bên đã trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm của Pháp trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ ở cấp quốc gia, cũng như triển khai ở cấp vùng, miền, địa phương, đặc biệt là cách thức triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bảo hộ và thương mại hoá các tài sản trí tuệ, cũng như hoạt động bảo hộ, quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý và các văn bằng bảo hộ khác. Đây là những thế mạnh của hệ thống sở hữu trí tuệ Pháp, đồng thời cũng là nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Về phía thành viên đoàn công tác, nhất là giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ đã học tập được nhiều kinh nghiệm từ phía bạn trong việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, đào tạo nhân lực, quản lý, giám sát, khai thác phát triển thương mại hóa cho các sản phẩm đã được bảo hộ, quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đã được bảo hộ tài sản trí tuệ, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chính sách quy trình sản xuất, chế biến cũng như bảo quản sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngỏ của cả vùng ĐBSCL. Thành phố đã thể hiện được vai trò trung tâm vùng ĐBSCL đối với hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua các hoạt động: (1) Thiết kế, xây dựng và phát triển hệ sinh thái ĐMST chuẩn mực, mang tính dẫn dắt và tương tác cao với các hệ sinh thái của các địa phương trong vùng; (2) Là đầu mối tập họp và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển và thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp, cũng như phát triển khởi nghiệp sáng tạo; (3) Đây là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý có trình độ cao, tiềm lực khoa học kỹ thuật khá lớn so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, bình quân một năm có khoảng từ 400 đến 500 dự án khởi nghiệp, trong đó có khoảng từ 20% đến 30% số này là các dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo và có tiềm năng phát triển nếu được hỗ trợ bài bản. Thành phố Cần Thơ hiện có khoảng 14 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có khoảng 05 tổ chức là có không gian làm việc chung (Co-Working Space) và mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đã được hình thành từ nguồn vốn của các cá nhân và doanh nghiệp.
Với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL đối với hoạt động đổi mới sáng tạo, Thành phố cũng đề ra một số giải pháp gồm: (1) Thực hiện đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ, là tổ chức đầu mối gắn kết các thành phần trong hệ sinh thái khoa học, công nghệ và ĐMST thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL, đồng thời thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển KH&CN; (2) Thiết kế vận hành hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ĐMST của Cần Thơ theo hướng mở để thu hút các nguồn lực bên trong và bên ngoài thành phố; (3) Triển khai các hoạt động để kết nối các mạng lưới và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động ĐMST.
CASTI - Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ