Hội nghị sở hữu trí tuệ năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Sáng ngày 9/3/2023, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị SHTT toàn quốc năm 2023 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước (QLNN) về sở hữu trí tuệ năm 2022, đồng thời đưa ra những định hướng lớn cho hoạt động SHTT trong năm 2023.
Đ/c Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức đại diện SHCN từ 62 Sở KH&CN trên cả nước.
Đến dự hội nghị đại biểu được tiếp cận những nội dung:Báo cáo tổng quan hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp năm 2022 ở trung ương và địa phương, định hướng nhiệm vụ năm 2023, Thực trạng và định hướng phát triển hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương: Tiếp cận từ tỉnh Thừa Thiên Huế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 – những vấn đề đặt ra cho hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương; Xây dựng và triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ tại thành phố Cần Thơ; Đổi mới và nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bảo hộ tài sản trí tuệ ra nước ngoài đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang; Đổi mới sáng tạo trong phát triển tài sản trí tuệ hiện nay: tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước; Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý sở hữu trí tuệ tại địa phương năm 2022.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng lồng ghép SHTT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Bộ trưởng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết, do vậy, thông qua Hội nghị này Bộ KH&CN sẽ có thêm những luận cứ xác thực để giải trình những vấn đề trong Luật SHTT sửa đổi để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, ban hành, cũng như có những định hướng đúng trong chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2030.
Đ/c Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ cho biết, năm 2022, thành phố Cần Thơ có 546 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tăng 27% so với năm 2021 và 393 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục SHTT cấp mới tăng 27% so với năm 2021. Số văn bằng được cấp mới trong năm 2022, vượt 118% so với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố Cần Thơ. Tất cả 10 nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được các Sở ngành quan tâm tham mưu UBND thành phố ban hành dưới hình thức chương trình, kế hoạch. Trong đó, ngành khoa học và công nghệ tham mưu 05 Chương trình, Kế hoạch, Đề án: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị; Kế hoạch Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đề án áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ về SHTT đã được nghiệm thu (nhãn hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt và nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới) góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Hỗ trợ triển khai mới 04 nhiệm vụ và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục và dự toán kinh phí 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện năm 2023,…
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, ông Tín cũng có một số kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022; Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng, phát hành bộ tài liệu về SHTT với nội dung phù hợp với chính sách, pháp luật SHTT trong giai đoạn hiện nay; Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả Chiến lược, nhất là hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, quản lý phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm, dịch vụ danh tiếng và có lợi thế phát triển của địa phương.
Tại hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định số 314/QĐ-BKHCN, ngày 07 tháng 3 năm 2023 và tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2022. Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ có bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng, Phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ được Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về SHTT năm 2022.
Bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng, Phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ (Vị trí thứ 2 từ bên trái) được Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về SHTT năm 2022
Toàn cảnh hội nghị
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội nghị