Hiệu quả can thiệp dinh dưỡng sớm trên bệnh nhân ung thư vòm họng có chỉ định xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ
Sáng ngày 09/3/2023, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố đề tài KHCN “Hiệu quả can thiệp dinh dưỡng sớm trên bệnh nhân ung thư vòm họng có chỉ định xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ”. Đề tài do Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ đăng ký chủ trì thực hiện. ThS.BS. Phạm Thị Thanh Hoa là chủ nhiệm đề tài.
Thành viên Hội đồng
Qua phần trình bày của ban chủ nhiệm có thể thấy tại Việt Nam, số lượng ca mắc ung thư vòm họng mới là 6.040 ca, chiếm 3,3% trong tổng số các loại ung thư, số ca chết là 3.706, chiếm 3%, tỷ lệ lưu hành trong 5 năm là 16.63/100.000 dân. Trong các mô thức điều trị thì xạ trị và hóa xạ trị là một trong những yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất liên quan đến tình trạng sụt cân của bệnh nhân điều trị. Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa, chiếu vài khối bướu khiến bướu gom nhỏ lại và tế bào bướu bị tiêu diệt. Xạ trị có nhiều tác dụng phụ như: gây mệt mỏi, chán ăn, rụng tóc, nôn, giảm thị lực, khó nuốt, khó thở, đau đầu,… tùy vào vùng điều trị mà có các tác dụng phụ khác nhau. Các ảnh hưởng của SDD trên bệnh nhân nằm viện như là: suy nhược sơ thể, yếu cơ, teo cơ, suy chức năng vận động; giảm chức năng cơ quan: ruột, tim, miễn dịch; giảm đáp ứng điều trị, tăng biến chứng, giảm chất lượng cuộc sống; tăng nhiễm khuẩn, giảm đề kháng, tăng thời gian nằm viện,...
Mục tiêu của đề tài là: Khảo sát các tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân ung thư vòm họng tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ; Đánh giá hiệu quả can thiệp dinh dưỡng sớm và chất lượng sống trên bệnh nhân ung thư vòm họng đang xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ. Đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân ung thư vòm họng điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ.
Ban chủ nhiệm đề tài
Các nội dung triển khai, thực hiện nghiên cứu bao gồm: (i) Khảo sát các tình trạng dinh dưỡng, chất lượng sống trên bệnh nhân ung thư vòm đang xạ trị, trong đó có các công việc như: Khảo sát tình trạng dinh dưỡng theo bảng câu hỏi PG – SGA, BMI, chu vi vòng cánh tay, sức cơ; Ghi nhận khẩu phần ăn thực tế của bệnh nhân ung thư vòm đang xạ trị; Ghi nhận các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ảnh hưởng tình trạng dinh dưỡng của đối tượng nghiên cứu; Xác định tỉ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư vòm đang xạ trị và điểm chất lượng cuộc sống của đối tượng nghiên cứu; Mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng sau can thiệp với chất lượng cuộc sống bệnh nhân; (ii) Đánh giá hiệu quả can thiệp dinh dưỡng sớm và chất lượng sống sau can thiệp dinh dưỡng sớm bao gồm các công việc: Xây dựng quy trình dinh dưỡng; Thực hiện can thiệp dinh dưỡng trên bệnh nhân ung thư vòm đang xạ trị; Ghi nhận chất lượng cuộc sống của đối tượng nghiên cứu; Tổng hợp, làm sạch, mã hóa, nhập liệu, xử lý và phân tích số liệu; Mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng sau can thiệp và kết quả sau khi kết thúc điều trị, sau tái khám đánh giá 1 tháng và 2 tháng; Mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng sau can thiệp với chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
Toàn cảnh buổi họp
Trên cơ sở báo cảo của ban chủ nhiệm, Hội đồng cũng đưa ra một số góp ý, chỉnh sửa, bổ sung nội dung đề tài. Đề tài được Hội đồng thống nhất thông qua.