Thu thập, bảo tồn, phát triển nguồn gen vi sinh vật trong quần thể lúa hoang dại tại thành phố Cần Thơ
Chiều ngày 13/3/2023, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp Hội đồng xét giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì Đề tài KHCN “Thu thập, bảo tồn, phát triển nguồn gen vi sinh vật trong quần thể lúa hoang dại tại thành phố Cần Thơ”. Đề tài do Viện Công nghệ Sinh học Và Thực phẩm - Trường Đại học Cần Thơ đăng ký chủ trì thực hiện. TS. Trần Thị Giang là chủ nhiệm đề tài.
Thành viên Hội đồng
Qua phần trình bày của ban chủ nhiệm có thể thấy lúa là cây lương thực quan trọng nhất thế giới, các loại lúa hoang dã là nơi chứa nhiều gen hữu ích nhưng chưa được khai thác. Tuy nhiên, quần thể lúa hoang đang suy giảm do hoạt động của con người. Các chế phẩm sinh học hiện nay đang giúp khôi phục lại độ phì nhiêu của đất, đáp ứng xu thế nông nghiệp sạch. Tồn tại nhiều nhóm vi sinh vật hữu ích nội sinh trong cây lúa, bên cạnh đó nhóm Trichoderma có khả năng tiêu diệt vi nấm gây hại bằng nhiều cơ chế, hệ enzyme ngoại bào của Trichoderma đóng vai trò rất quan trọng trong đấu tranh sinh học.
Mục tiêu của đề tài là thu thập, bảo tồn, phát triển nguồn gen vi sinh vật như vi khuẩn, vi khuẩn sợi, nấm mốc và thực khuẩn thể trong quần thể lúa hoang dại phục vụ sản xuất chế phẩm sinh học trong canh tác lúa và cải tạo đất ở thành phố Cần Thơ.
Ban chủ nhiệm đề tài
Nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm: Thu thập lúa hoang tại thành phố Cần Thơ; Phân lập và tuyển chọn nấm Trichoderma trong quần thể lúa hoang dại ở thành phố Cần Thơ; Phân lập và tuyển chọn thực khuẩn thể (Bacteriophage) trong quần thể lúa hoang dại ở thành phố Cần Thơ; Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn cố định đạm nội sinh và vùng rễ trong quần thể lúa hoang dại ở thành phố Cần Thơ; Phân lập và tuyển chọn vi sinh vật hòa tan lân trong quần thể lúa hoang dại ở thành phố Cần Thơ.
Toàn cảnh buổi họp
Trên cơ sở báo cáo của ban chủ nhiệm, Hội đồng cũng đưa ra một số góp ý, chỉnh sửa, bổ sung nội dung đề tài. Đề tài được Hội đồng thống nhất thông qua.