SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại thành phố Cần Thơ

[31/03/2023 14:31]

Sáng ngày 31/3/2023, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức “Hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe tại thành phố Cần Thơ”. Hội thảo được tổ chức tại Khách sạn Ninh Kiều 2, Số 03 Đại lộ Hòa Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Hiện nay y học hạt nhân đã được ứng dụng rất nhiều vào việc chẩn đoán và điều trị các loại bệnh lý khác nhau, được sử dụng trong chiếu chụp để cung cấp hình ảnh bên trong cơ thể con người giúp chẩn đoán chính xác hơn và hỗ trợ điều trị một số bệnh. Các bác sĩ đã có thể dự đoán chính xác lượng bức xạ cần thiết để có thể tiêu diệt được các khối u ung thư mà không làm ảnh hưởng hay tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh. Ngoài ra còn được áp dụng để khử trùng các thiết bị y tế. Nhằm tăng cường phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế tại thành phố Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức “Hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại thành phố Cần Thơ”.

Ông Ngô Anh Tín – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của ông Ngô Anh Tín – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ; ông Phạm Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang; TS. Lưu Anh Tuyên – Phụ trách phòng Vật lý & Phân tích hạt nhân – Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh; GS.TS. Lê Hồng Khiêm – Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý – Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nguyên đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại JINR-Liên Bang Nga; ThS. KS. Nguyễn Tấn Châu – Phó Trưởng Đơn vị PET-CT và CYCLOTRON, Khoa Y học Hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy; PGS. TS Huỳnh Trúc Phương, Nguyên phó khoa Vật lý & Vật lý kỹ thuật, Giảng viên Bộ môn Vật lý Hạt nhân – Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ThS. Nguyễn Thanh Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế Đồng vị Phóng xạ - Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt; ông Phạm Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền máu thành phố Cần Thơ; ông Võ Văn Kha – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ; ông Phạm Hoàng Lai – Phó Giám đốc Bệnh viên Đa khoa Hòa Hảo Medic; ông Phạm Gia Nhâm – Phó Giám đốc Bệnh viên Y học Cổ truyền; ông Châu Chiêu Hòa – Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng.

Mục tiêu của Hội thảo là: Cập nhật tình hình ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hai lãnh vực có mối liên hệ tương hỗ, chặt chẽ, được thế giới chú trọng trong những năm trở lại đây. Bên cạnh đó, tạo diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận nguồn thông tin, công nghệ và chủ trương khuyến khích ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe của người dân; Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt là các kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe đối với người dân. Cụ thể, đối với lĩnh vực y tế, đẩy mạnh ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý hiểm nghèo cho người bệnh; cung cấp cho người bệnh các phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả và an toàn; tạo điều kiện để người dân tiếp cận và thụ hưởng các công nghệ chẩn đoán, điều trị hiện đại với chi phí phù hợp ngay tại Việt Nam. Đối với lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, đẩy mạnh hướng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong điều tra nghiên cứu, phân tích trên diện rộng các chỉ số từ mẫu sinh học (máu, móng tay, tóc, nước tiểu…vv) có khả năng dự báo sớm nhằm kiểm soát bệnh tật của các cộng đồng dân cư trong các điều kiện sống đặc trưng vùng miền. Đặc biệt, thúc đẩy việc triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong đánh giá ô nhiễm kim loại nặng trong không khí do sự phát triển nóng của các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đồng bằng Sông Cửu Long; dự báo các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cộng đồng trên diện rộng do ô nhiễm kim loại nặng âm thầm trong khí quyển đang được thế giới cực kỳ quan tâm đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam; Trao đổi và thảo luận giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các cơ sở y tế công và tư nhân, các nhà khoa học, các tổ chức chuyển giao công nghệ và các địa phương có tiềm năng trong ứng dụng năng lượng nguyên tử để phục vụ phát triển lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng của thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo các báo cáo viên đã trình bày các nội dung tổng quan và chi tiết một số ứng dụng của năng lượng nguyên tử trong y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cụ thể có 5 bài báo cáo tham luận như sau: (1) Tổng quan về tương lai của ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng do báo cáo viên là TS. Lưu Anh Tuyên – Phụ trách phòng Vật lý & Phân tích hạt nhân – Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh trình bày; (2) Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nghiên cứu, dự báo tác động sức khỏe cộng đồng tại một số khu vực của Việt Nam: phân tích và đánh giá ô nhiễm kim loại nặng trong không khí bằng phương pháp kích hoạt neutron trên lò phản ứng hạt nhân do báo cáo viên là GS.TS. Lê Hồng Khiêm – Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý – Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nguyên đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại JINR-Liên Bang Nga trình bày; (3) Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy do báo cáo viên là ThS. KS. Nguyễn Tấn Châu – Phó Trưởng Đơn vị PET-CT và CYCLOTRON, Khoa Y học Hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày; (4) Nghiên cứu và dự báo nguy cơ sức khỏe cộng đồng thông qua phân tích các nguyên tố trong móng và tóc của cơ thể người bằng phương pháp hạt nhân do báo cáo viên PGS. TS Huỳnh Trúc Phương, Nguyên phó khoa Vật lý & Vật lý kỹ thuật, Giảng viên Bộ môn Vật lý Hạt nhân – Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trình bày; (5) Sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ ứng dụng trong lĩnh vực y tế trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt – Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam do báo cáo viên là ThS. Nguyễn Thanh Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế Đồng vị Phóng xạ - Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt trình bày.

Báo cáo viên trình bày tại hội thảo

Thông qua Hội thảo, các thông tin về công nghệ và giải pháp về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp và các Sở, ban ngành liên quan của thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bên cạnh đó còn thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ cho các cơ sở nghiên cứu, tiến tới làm chủ công nghệ cho ngành y tế. Tăng cường khai thác, phát huy hiệu quả trong ứng dụng năng lượng nguyên tử, đồng thời làm cơ sở hợp tác nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế nhằm đào tạo, phát triển tiềm lực cán bộ phục vụ xây dựng ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo đã cung cấp đến đại biểu thông tin hữu ích về các ứng dụng, các phương pháp hiện đại trong Y học hạt nhân, chuyên ngành ứng dụng năng lượng nguyên tử thông qua sử dụng các đồng vị phóng xạ để nghiên cứu, đánh giá các quá trình sinh bệnh lý và chuyển hóa của cơ thể nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị. Y học hạt nhân đòi hỏi trang bị đầu tư các thiết bị đồng bộ và đội ngũ nhân viên y học hạt nhân được đào tạo bài bản, khoa học. Y học hạt nhân được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, đây là hướng đi mới trong chẩn đoán và điều trị đem lại những giá trị lớn, góp phần nâng tầm của nền y học nước ta nói chung. Hội thảo không chỉ là cơ hội để đội ngũ y bác sỹ của các cơ sở y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long cập nhật nhiều kiến thức hữu ích mà còn là cơ hội học tập, giao lưu, trau dồi thêm kinh nghiệm trong công tác. Hội thảo còn góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành Y tế, ngành Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể trong đào tạo cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế.

CASTI - Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ