Công nghiệp hóa hiện đại hóa trên nền tảng Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại TP. Cần Thơ
Sáng ngày 12/5/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo tại TP.Cần Thơ”, tại hội trường Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu khai mạc Tọa đàm
Đến dự Tọa đàm có ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, TS. Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, GS.TS.Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (UEH), GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Nguyên PHT Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, viện, trường trên địa bàn TP. Cần Thơ.
TS. Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm xoay quanh những nội dung chính về thực trạng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; Phương hướng phát triển các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo của TP.Cần Thơ; Thực trạng và phương hướng phát triển khoa học và công nghệ mới và đổi mới sáng tạo nhằm đạt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Bên cạnh đó, Tọa đàm còn thảo luận về các yếu tố tiềm năng và khó khăn trong phát triển của Cần Thơ, các chính sách và động lực phát triển của Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, qua 2 năm thực hiện nghị quyết số 59-NQ/TW, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương cùng sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Cần Thơ, Nghị quyết số 59-NQ/TW đã từng bước đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần quyết tâm, tính chủ động, sáng tạo và tạo thêm động lực mới cho toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ phấn đầu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 59-NQ-TW, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Cần Thơ chủ động phối hợp triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương và các viện, trường, tích cực xúc tiến, làm việc với các Tập đoàn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước để kêu gọi đầu tư vào các dự án mang tính chiến lược của thành phố, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện trên địa bàn. Tăng cường đầu tư, nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số cho thành phố.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại tọa đàm
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại TP. Cần Thơ đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo ra sự tăng trưởng nhanh. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so với năm 2021, đứng thứ 6 cả nước, xếp thứ 2/5 thành phố trực thuộc Trung ương. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, xuất khẩu, du lịch, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều có tốc độ tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử... Dù đã được đầu tư, nâng cấp về tiềm lực, cơ sở vật chất nhưng hạ tầng kỹ thuật về khoa học công nghệ của Cần Thơ vẫn còn yếu, thiếu, chưa đồng bộ so với nhu cầu phát triển.
Bà Trần Hoài Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu tại Tọa đàm
Bà Trần Hoài Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ cho biết, trong những năm qua thành phố Cần Thơ đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và định hướng phát triển chung của cả nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, y tế kỹ thuật cao, công nghệ cơ khí chế tạo máy, công nghệ tự động hóa,… đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành tựu nổi bật nhất trong nông nghiệp là các quy trình thanh lọc giống lúa kháng bệnh sử dụng lai tạo giống, chọn tạo cây đầu dòng, sử dụng cho công tác nhân giống, chọn các chủng nấm phát triển thành các chế phẩm sinh học phòng và trị bệnh các bệnh trên lúa, rau màu, cây ăn trái, phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng bản đồ kỹ thuật số quản lý nông lâm thủy sản, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tích hợp mô hình điều khiển truy xuất dữ liệu lớn, nghiên cứu giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng; ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh ung thư, nghiên cứu về đột biến gen, đột biến kháng thuốc, nghiên cứu các cây dược liệu có khả năng điều trị bệnh; thiết kế chế tạo, phát triển công nghệ điều khiển số tự động nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Xác định doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ - bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ - nâng cao năng suất chất lượng, hình thành bộ cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin thiết bị, công nghệ phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh,…
Ông Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cho rằng, Cần Thơ có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khi là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long về khoa học - công nghệ và giáo dục, đào tạo. Đảng, Nhà có nhiều chủ trương, định hướng lớn để xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, Cần Thơ gặp nhiều khó khăn khi cụ thể hóa những chính sách, Nghị quyết vì thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, liên kết vùng còn yếu... Từ những khó khăn trên, ông Khanh đề xuất các giải pháp cần làm là tạo môi trường cho nhà đầu tư, đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo; tìm thị trường mới cho sản phẩm nông nghiệp,...
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ phát biểu tại Tọa đàm
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho rằng nên đầu tư đường giao thông, sân bay Cần Thơ để tạo đột phá, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long; đào tạo nguồn nhân lực chiến lược cho vùng,...
Đại biểu tham dự Tọa đàm
Tọa đàm là dịp để các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học lắng nghe báo cáo kinh nghiệm thực tiễn phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở TP. Cần Thơ trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp phát huy lợi thế của TP. Cần Thơ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học và công nghệ mới và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại Tọa đàm