SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình sàng lọc, chẩn đoán sớm và can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố Cần Thơ

[20/10/2023 10:58]

Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023, chiều ngày 19/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ tổ chức Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án KHCN “Xây dựng mô hình sàng lọc, chẩn đoán sớm và can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố Cần Thơ”. Hội đồng do bà Trần Hoài Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ làm Chủ tịch. Dự án do BSCKII. Nguyễn Ngọc Việt Nga và PGS.TS.BS. Nguyễn Minh Phương đồng chủ nhiệm. Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ là cơ quan chủ trì thực hiện.

Toàn cảnh buổi họp

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng được mô hình sàng lọc, phát hiện và chẩn đoán sớm trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Xây dựng và vận hành mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại thành phố Cần Thơ; Mở các lớp tập huấn cho các đối tượng có liên quan về cách can thiệp chuyên sâu cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ có khả năng hòa nhập vào cộng đồng.

Nội dung thực hiện dự án gồm: Mở các lớp tập huấn cho các đối tượng có liên quan về cách can thiệp chuyên sâu cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ có khả năng hòa nhập vào cộng đồng; Xây dựng mô hình sàng lọc, phát hiện và chẩn đoán sớm trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Xây dựng Mô hình can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Thành viên hội đồng 

Kết quả, dự án đã đào tạo hơn 500 giáo viên, sàng lọc, thăm khám cho 5.827 trẻ và can thiệp 40 trẻ em trong 12 tháng và đưa vào hoạt động 2 mô hình sàng lọc thăm khám và can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Nhận thức và thái độ của giáo viên mầm non có sự thay đổi rõ rệt sau khi được tập huấn và kinh nghiệm giáo dục là yếu tố đặc biệt quan trọng nhất. Độ nhạy và độ đặc hiệu của thang điểm M-CHAT do giáo viên mầm non thực hiện có độ tin cậy cao có thể áp dụng trong sàng lọc rối loạn cho trẻ. Thực trạng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ từ 18 đến 36 tháng tại nhà trẻ trên địa bàn thành phố Cần Thơ có tỷ lệ mắc bệnh là 1,59% và đa số trẻ em ở mức trung bình. Kết quả can thiệp được đánh giá thông qua các công cụ chuẩn là CARS và Vineland cho thấy hiệu quả rất tích cực. Trẻ có cải thiện rõ rệt, sự thay đổi mang ý nghĩa thống kê. Mô hình sàng lọc, chẩn đoán sớm rối loạn phổ tự kỷ tại thành phố Cần Thơ hoạt động hiệu quả, cụ thể làm tăng vọt số bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Mô hình can thiệp rối loạn phổ tự kỷ tại thành phố Cần Thơ mang lại hiệu quả can thiệp cho trẻ. Có thể áp dụng ở nhiều cơ sở can thiệp khác.

Ban chủ nhiệm 

Hội đồng đánh giá Dự án có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, có tính khả thi và có tính nhân văn cao. Từ kết quả đạt được của dự án, Hội đồng thống nhất nghiệm thu. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm cần chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo theo góp ý của thành viên hội đồng.

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ