Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm từ cam sành (Citrus sinensis)
Nhằm đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu KH&CN cấp thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm từ cam sành (Citrus sinensis)”, vào chiều ngày 23/12/2023.
Toàn cảnh buổi họp
Hội đồng do ThS. Trần Hoài Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ làm Chủ tịch Hội đồng. PGS. TS. Huỳnh Xuân Phong làm chủ nhiệm đề tài, Trường Đại học Cần Thơ là cơ quan chủ trì.
Đề tài thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ cam sành, bao gồm cam sành sấy dẻo, nước ép cam cô đặc, bột cam nguyên chất, đồng thời tận dụng nguồn phụ phẩm để phát triển một số sản phẩm có giá trị như tinh dầu từ vỏ cam và phân hữu cơ vi sinh.
Thành viên hội đồng
Nội dung nghiên cứu gồm: Phân tích và đánh giá thành phần chất lượng cam sành ở vùng ĐBSCL; Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất cam sành sấy dẻo; Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất nước ép cam sành cô đặc; Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất bột cam nguyên chất; Nghiên cứu quy trình công nghệ ly trích và thu hồi tinh dầu từ vỏ cam sành theo phương pháp chưng cất; Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Ban chủ nhiệm
Kết quả thực hiện đề tài cho thấy, các mẫu cam sành tại các tỉnh thuộc ĐBSCL có thịt quả dày và nhiều nước; Các hợp chất như alkaloid, flavonoid, phenolic, saponin đều có trong vỏ và dịch quả, ngoại trừ terpenoid chỉ có ở phần cao chiết vỏ cam; Kết quả định lượng flavonoid và phenolic có nhiều nhất trong dịch quả, kế đến là cao chiết vỏ xanh và thấp nhất ở vỏ trắng. Tương tự, khả năng kháng oxy hóa của các bộ phận của quả cam sành có hoạt tính cao nhất đối với dịch quả, kế đến là cao chiết vỏ xanh và vỏ trắng; Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất cam sành sấy dẻo đối với những trái cam đạt chất lượng cảm quan tốt với các thông số được xác định như chiều dày lát cam, nồng độ dung dịch đường và các chất phụ gia, độ ẩm sản phẩm thích hợp; Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất nước ép cam cô đặc và bột cam nguyên chất đối với những trái không đạt chất lượng cảm quan. Các thông số được xác định là nồng độ và thời gian xử lý enzyme, điều kiện cô quay chân không và độ Brix sản phẩm thích hợp đối với nước cam cô đặc; hay nồng độ và chất phụ gia, điều kiện sấy đối với sản phẩm bột cam nguyên chất; Xây dựng được quy trình công nghệ ly trích tinh dầu (chưng cất và ép cơ học) và xử lý phụ phẩm vỏ cam sau quá trình chế biến để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa khoa học và kết quả đạt được của đề tài. Tuy nhiên, Ban chủ nhiên cũng cần lưu ý chỉnh sửa một số nội dung để hoàn thiện báo cáo.
Kết quả, Hội đồng kết luận và đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.
Sở KH&CN TP. Cần Thơ