Ứng dụng công nghệ sinh học để chọn tạo giống dưa leo, khổ qua, đậu que có năng suất cao phẩm chất tốt cho thành phố Cần Thơ
Sáng ngày 9/8/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ họp Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để chọn tạo giống dưa leo, khổ qua, đậu que có năng suất cao phẩm chất tốt cho thành phố Cần Thơ”. Hội đồng do ông Trương Hoàng Phương – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ làm chủ tịch Hội đồng. TS. Nguyễn Trọng Phước làm chủ nhiệm. Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao ĐBSCL là cơ quan chủ trì thực hiện.
Toàn cảnh buổi họp
Đề tài thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ chọn tạo 3 giống: dưa leo, khổ qua, đậu que có năng suất cao, phẩm chất tốt; Xây dựng quy trình sản xuất 3 loại hạt giống gốc có khả năng kháng bệnh hoặc chịu được áp lực sâu bệnh cao và đáp ứng yêu cầu thị trường; Xây dựng mô hình canh tác cho mỗi loại giống tại TP. Cần Thơ.
Nội dung nghiên cứu gồm: Khai thác vật liệu khởi đầu và tiến hành lai tạo cho công tác chọn tạo giống; Đổi mới quy trình sàng lọc nguồn nguyên liệu di truyền kháng nấm bệnh và khuẩn bệnh trên một số đối tượng rau màu quan trọng như khổ qua, dưa leo, đậu que sử dụng các kỹ thuật tiến bộ trong công nghệ sinh học; Đổi mới quy trình sàng lọc nguyên liệu di truyền sử dụng chỉ thị phân tử (DNA maker) trong chọn giống; Khảo nghiệm tính ổn định di truyền của các cặp lai và khả năng thích nghi của giống ở một số vùng sinh thái khác nhau; Xây dựng quy trình canh tác giống mới; Triển khai sản xuất thử mô hình 3 giống cây trồng được kế thừa và hoàn thiện từ đề tài, ứng dụng các công nghệ canh tác và xử lý sau thu hoạch đã được đổi mới.
Thành viên hội đồng
Qua thời gian triển khai thực hiện hơn 30 tháng, đề tài đã xác định được gen quy định số trái/cây, cùng chiều dài và chiều rộng trái trên cây đậu cô que trong quần thể F2 và F3 của tổ hợp lai Alubia/OSU5446. Các chỉ tiêu di truyền cho thấy tổ hợp này có tiềm năng cao về số lượng trái/cây, từ đó giúp cải thiện năng suất cây trồng cho thế hệ sau. Đặc biệt, đã phát hiện 27 chỉ thị phân tử trên nhiễm sắc thể OP04 và 1 chỉ thị trên PV09, cho phép phân tích kiểu di truyền của các con lai trong thế hệ F8. Sau khi đánh giá, 7 dòng được chọn lọc mang gen đồng hợp trội tương ứng với gen bố (OSU5446), đặc biệt Dòng 3 (F2-95-15-6-1-2-14) và Dòng 7 (F2-1-74-24-50-2-36) thể hiện năng suất trái cao. Kết quả này là nền tảng quan trọng cho việc chọn giống đậu cô que trong tương lai tại vùng ĐBSCL.
Ban chủ nhiệm
Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị sử dụng và ứng dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống tại ĐBSCL. Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm cần chỉnh sửa một số nội dung báo cáo theo góp ý của thành viên hội đồng.
Sở KH&CN TP. Cần Thơ