SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tổng kết ngành Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

[14/01/2025 08:55]

Nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024 và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng tâm cho năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tống kết ngành Khoa học và Công nghệ năm 2024 vào sáng ngày 14/01/2025, tại hội trường UBND thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu chỉ đạo hội nghị 

Đến dự hội nghị, có ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, TS. Trương Minh Nhật Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ, PGS.TS. Đào Duy Huân – Phó Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, ông Lê Văn Điện – Hiệu trưởng Trường Chính trị Cần Thơ, ông Dương Thế Dũng – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Cần Thơ, ông Phạm Trường Yên – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, BS.CK2 Phạm Phú Trường Giang -Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Chủ tich Liên hiệp các Hội KHKT Cần Thơ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, lãnh đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở KH&CN, lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu tiếp thu ý kiến tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột xuất từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN cũng như Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và UBND thành phố. Thành công này được thể hiện rõ nét qua báo cáo video và văn bản, cùng với những ý kiến tham luận và phát biểu tại hội nghị. Qua đó, ông đã nêu ra sáu thành tựu nổi bật nhất mà ngành KH&CN thành phố Cần Thơ đã đạt được trong năm qua. Thứ nhất, các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao đã hoàn thành và vượt mức kỳ vọng. Trong đó, việc triển khai các đề tài, dự án đạt 140%; kết quả áp dụng các đề tài, dự án trong sản xuất đạt 115%; Việc cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ đạt tới 290%; Tốc độ đổi mới công nghệ đạt 14%; và tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tương ứng với tổng giá trị sản phẩm đạt 33,55%. Thứ hai, các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Thứ ba, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như phát triển tài sản trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đã được triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả,...

Thay mặt ngành khoa học và công nghệ, ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ đã vô cùng trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, bao gồm 6 nội dung lớn, 3 gợi ý và 8 ý kiến đóng góp của quý đại biểu. Những ý kiến này sẽ được Sở áp dụng vào các chương trình và kế hoạch cho năm 2025 cũng như những năm tiếp theo. Sở sẽ tập trung triển khai toàn diện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của BCH Trung ương Đảng, đồng thời bám sát chương trình của Nghị quyết số 03 của Chính phủ. Sở đã lấy ý kiến từ các sở ngành và trình UBND thành phố, đồng thời rất mong nhận được thêm đóng góp từ các nhà khoa học tại các viện, trường. Ngoài ra, Sở sẽ tích cực rà soát và tham vấn cho Bộ KH&CN về việc chỉnh sửa các luật liên quan, đặc biệt là 12 bộ luật cùng với Luật Khoa học và Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Sở sẽ làm việc này với tinh thần trách nhiệm cao và mong các ngành, các cấp sẽ dành thời gian nghiên cứu để bổ sung thêm thông tin.

- Về Đề án hợp nhất, Sở đã quán triệt tư tưởng anh em với tinh thần trách nhiệm cao nhất; Sở đã gửi phương án hợp nhất được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt và Đề án sẽ được trình lên Chính phủ. 

- Đối với kế hoạch năm 2025, nhiệm vụ đặt ra khá lớn, trong đó Đề án khu công nghệ cao đã được Sở trình lên Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, Bộ đang lấy ý kiến từ 6 cơ quan có liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung ương và địa phương để sớm có ý kiến từ các bộ ngành và đáp ứng yêu cầu đề ra,...

Trong năm 2024, ngành Khoa học và Công nghệ của thành phố đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) được triển khai hiệu quả, từ việc thúc đẩy nhiệm vụ khoa học đến việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống. Thành phố đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Đồng thời, các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và thị trường khoa học - công nghệ cũng được tăng cường. Những nỗ lực này của các viện, trường, doanh nghiệp và nhà khoa học đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đưa thành phố tiến lên con đường phát triển bền vững.

PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi - Trưởng phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Ông Lê Văn Điện – Hiệu trưởng Trường Chính trị Cần Thơ phát biểu tại hội nghị 

PGS.TS. Đào Duy Huân – Phó Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Trường Yên – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Ông Võ Tấn Dũng - Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch MeKong phát biểu tại hội nghị 

1. Tiềm lực khoa học và công nghệ

Tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố đang ngày càng được cải thiện, cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực. Thành phố đang tích cực triển khai các đề án như hình thành Khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Sàn giao dịch công nghệ và Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các dự án đầu tư vào nâng cấp năng lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ đã được chú trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và thực hiện vai trò trung tâm khoa học - công nghệ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng đang gia tăng, với khoảng 6.800 người làm việc tại 70 tổ chức khoa học và công nghệ trong thành phố. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu và phát triển đạt khoảng 14 người trên một vạn dân, trong đó 17,64% là tiến sĩ, 41,96% là thạc sĩ và 28,70% là đại học. Ngoài ra, có 262 tiến sĩ được phong hàm giáo sư và phó giáo sư, chiếm 3,84% tổng số nhân lực khoa học và công nghệ. Đội ngũ trí thức và các nhà khoa học với trình độ cao đang đóng góp tích cực vào nghiên cứu, tư vấn và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ trao Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023 cho Sở KH&CN TP. Cần Thơ

2.  Hoạt động nghiên cứu khoa học

Trong năm 2024, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) tiếp tục được đẩy mạnh qua việc triển khai mới, nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố. Những nhiệm vụ này tập trung vào cải thiện và phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái; ứng dụng các kỹ thuật và mô hình mới trong điều trị, chăm sóc sức khỏe; phát triển các mô hình du lịch phù hợp với lợi thế địa phương; cũng như nghiên cứu thiết kế và chế tạo các thiết bị, công nghệ mới nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, 90% các nhiệm vụ KH&CN sau khi hoàn thiện đều được chuyển giao ứng dụng theo đánh giá của Hội đồng tư vấn. Ngoài ra, Sở cũng đã tổ chức thẩm định công nghệ cho 11 dự án trong lĩnh vực xây dựng, y tế và môi trường, đưa ra ý kiến góp ý từ chuyên gia nhằm khuyến nghị các công nghệ và thiết bị hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thành phố đã triển khai 27 nhiệm vụ KH&CN và nghiệm thu 14 nhiệm vụ, vượt 50% chỉ tiêu được giao trong triển khai và vượt 10% trong công tác nghiệm thu.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Hồ Quốc Hùng - Trưởng Phòng thí nghiệm Cơ khí - Tự động hóa - Vật liệu mới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Cần Thơ

Đại biểu chụp hình lưu niệm

3. Hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ 

Hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ trong năm 2024 đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, và công nghệ cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Sở tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ và thiết bị, tổ chức 3 Hội đồng KH&CN xét giao với tổng kinh phí dự kiến 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,9 tỷ đồng. Đã ký hợp đồng thực hiện 2 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 2,820 tỷ đồng, trong đó 1,172 tỷ đồng từ ngân sách. Đồng thời, chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đã phê duyệt 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho 17 doanh nghiệp, tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện và giải ngân khoảng 1,8 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của thành phố Cần Thơ đã kết nối đồng bộ dữ liệu vào Cổng thông tin quốc gia, với 353 cơ sở đã đăng tải thông tin và 689 sản phẩm được cập nhật. Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 14,025%, vượt kế hoạch từ 12-13%, trong khi tổng sản phẩm công nghệ cao chiếm 33,55% tổng giá trị sản phẩm, đạt gần với mục tiêu 33-34%.

4. Hoạt động Sở hữu trí tuệ

Trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực đẩy mạnh công tác hướng dẫn đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, tăng cường hỗ trợ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Những nỗ lực này góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động về sáng kiến cũng được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao với 4.298 giải pháp đề nghị công nhận, trong đó có 3.779 sáng kiến được công nhận và 3.373 sáng kiến đang được áp dụng, ước tính tổng giá trị làm lợi đạt hơn 5,8 tỷ đồng, gấp ba lần so với năm 2023. Sở cũng phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân trên toàn thành phố với các giải pháp sáng tạo phục vụ cho học tập, lao động và sản xuất. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 78 tổ chức và cá nhân với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng, bao gồm 88 nhãn hiệu trong nước, 1 nhãn hiệu nước ngoài, 19 sáng chế và 1 kiểu dáng công nghiệp. Trong năm, thành phố đã có 598 đơn được chấp nhận (gồm 582 nhãn hiệu, 3 kiểu dáng công nghiệp, 11 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích) và 420 văn bằng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mới.

5. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Trong năm 2024, Sở đã tích cực thực hiện công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng bằng cách tổ chức 7 đoàn kiểm tra tại 189 cơ sở kinh doanh, qua đó phát hiện và xử phạt 1 cơ sở vi phạm với số tiền 46 triệu đồng. Đồng thời, Sở đã tiến hành kiểm tra việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (ISO) tại tất cả 13 cơ quan hành chính thuộc thành phố, với kết quả cho thấy tất cả các cơ quan đều ban hành Kế hoạch duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng trong năm 2024. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức kiểm tra tại 10 cơ sở áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn. Công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng và an toàn bức xạ tại các doanh nghiệp và cơ sở y tế cũng được chú trọng thực hiện. Đáng chú ý, 100% các cơ quan, đơn vị trong thành phố đã công bố Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, đạt tỷ lệ 119/119.

6. Phát triển dịch vụ KH, CN &ĐMST

Trong năm 2024, hoạt động dịch vụ thử nghiệm, kiểm định và hiệu chuẩn đã mang lại nhiều hỗ trợ quan trọng cho các cơ quan và doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và đảm bảo đo lường pháp quyền. Cụ thể, đã thực hiện kiểm định 14.002 phương tiện đo, hiệu chuẩn 6.618 và thử nghiệm 16.205 mẫu với 106.651 chỉ tiêu trong các lĩnh vực như môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng xăng dầu, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng. Đặc biệt, 1.031 cột đo xăng dầu đã được kiểm định cho 197 doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn, cùng với việc đánh giá chứng nhận hợp quy cho 15 lô xăng dầu, chứng nhận 01 mô hình VietGap và kiểm định 2.201 cân dùng trong mua bán tại 50 chợ đầu mối.

Ngoài ra, hoạt động thông tin và truyền thông KH&CN đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành và thành phố. Hạ tầng thông tin KH&CN được đầu tư hoàn thiện, cùng với việc ứng dụng Internet, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin chuyên sâu về thành tựu KH&CN. Trong năm, đã có hơn 10.000 thông tin và tài liệu được cập nhật lên Cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ để phục vụ nhu cầu tham khảo của người dùng.

Hơn nữa, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN cũng được thúc đẩy thông qua việc tổ chức 4 hội thảo giới thiệu xu hướng công nghệ ứng dụng trong sản xuất và đời sống, thu hút trên 250 đại biểu tham dự. Các hội thảo đã cung cấp thông tin mới nhất về công nghệ sinh học có thể áp dụng trong nông nghiệp xanh và thực trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cùng với các dự án nâng cao chất lượng nước.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ươm tạo công nghệ tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã hỗ trợ tích cực cho 14 doanh nghiệp trong việc thí nghiệm mẫu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và nghiên cứu cải tiến công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

7. Hợp tác về khoa học, công nghệ và ĐMST

Trong năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về Chương trình đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn với sự tham gia của Trường Bách Khoa - Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu. Sự kiện này nhằm mục tiêu triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực tại TP. Cần Thơ. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình và thỏa thuận hợp tác với các Bộ, ngành, viện, trường và các tỉnh, thành phố khác để huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ