SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đẻ khó trên chó và hiệu quả điều trị tại bệnh xá thú y, trường Đại học Cần Thơ

[28/09/2021 14:53]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Trần Ngọc Bích, Lê Bình Minh, Trương Chi Bảo, Văn Mỹ Tiên, Đặng Thị Thắm, Lê Quang Trung (Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) và Đặng Thị Mỹ Tú (Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Đại học Cửu Long) thực hiện.

Ngày nay cùng với sự phát triển của đất nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người ngày càng nâng cao hơn. Nhu cầu nuôi chó ngày càng tăng với nhiều mục đích, nhiều nhu cầu hơn. Tuy nhiên, không gian sống của con người ngày càng bị thu hẹp, việc nuôi các giống chó bản địa (chó cỏ, chó Phú Quốc) có trọng lượng lớn ảnh hưởng lớn đến không gian sống của cả gia đình. Xuất phát từ nhu cầu đó các giống chó mới được nhập về Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là các giống chó có kích thước nhỏ như: Fox, Chihuahua, Poolde... để phù hợp với nhu cầu của người nuôi. 

Theo đó, các bệnh liên quan đến giống như bệnh về hô hấp, bệnh về xương khớp, bệnh về sinh sản, đặc biệt là chứng đẻ khó xuất hiện ngày càng nhiều. Lê Văn Thọ (2008) khi tiến hành khảo sát 144 chó cái mang thai có dấu hiệu sắp sinh ghi nhận có 71 con đẻ khó (chiếm tỷ lệ 49,31%). Trong số chó đẻ khó đa số là những giống chó có thể vóc nhỏ như Chihuahua (39,44%), chó Nhật (35,21%), chó Fox (14,08%), chó Bắc Kinh (4,23%), chó Griffon (1,41%), chó Việt Nam (5,63%).

Hình minh họa (Nguồn: internet)

Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020 nhằm khảo sát tình hình đẻ khó trên chó và đánh giá hiệu quả của các biện pháp điều trị. Đã có 751 con chó cái được mang đến bệnh xá để khám và điều trị bệnh đẻ khó lần đầu. Kết quả chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng đã phát hiện có 74 con chó cái mắc chứng bệnh đẻ khó; chiếm tỷ lệ 9,85%. Can thiệp bằng phẫu thuật chiếm tỷ lệ (93,24%) và tỷ lệ thành công của biện pháp này là 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công không cao ở các biện pháp can thiệp khác như tiêm oxytocin (0%) hay dùng tay xử lý kết hợp với thuốc (55,56%). Biến chứng thường gặp trong quá trình phẫu thuật là chó nôn ói chiếm tỷ lệ cao nhất (56,52%), kế đến là mất máu (10,14%), trục trặc về hô hấp (5,79%); trong khi biến chứng gặp sau phẫu thuật là đứt chỉ đường khâu vết thương chiếm tỷ lệ cao nhất (13,04%), nhiễm trùng vết mổ (8,69%), đứt cơ và phúc mạc ổ bụng (5,79%). Thời gian lành vết mổ phụ thuộc vào độ tuổi của con vật, đạt tỷ lệ cao nhất ở ngày thứ 5-7 sau mổ.

ctngoc

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y số 8 năm 2020
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài