SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đa dạng thành phần loài giáp xác (Crustacea) trong hệ sinh thái rạn san hô của Việt Nam

[11/11/2021 13:23]

Giáp xác là nhóm loài có giá trị kinh tế trong hệ sinh thái rạn san hô, tuy nhiên, danh mục thành phần loài đến nay vẫn chưa được cập nhật đầy đủ. Nghiên cứu này nhằm đánh giá và cập nhật đa dạng thành phần loài giáp xác trong rạn san hô ven bờ và ven đảo Việt Nam. Nghiên cứu do nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện.

Hiện nay nguồn lợi giáp xác ở vùng rạn san hô ven bờ và ven đảo trải dài từ Bắc vào Nam đang bị khai thác mang tính tận diệt như: ghẹ xanh Portunus pelagicus, cua huỳnh đế Ranina ranina, tôm hùm bông Penaeus semisulcatus là nhóm có giá trị kinh tế cao, chúng cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cao cung cấp trực tiếp cho con người, có giá trị thương mại, du lịch phục vụ cho chế biến thuỷ, hải sản xuất khẩu cao. Chúng đang bị mất môi trường sống bởi các hoạt động khai thác của con người tại các hệ sinh thái, làm ảnh hưởng và thu hẹp môi trường sống của nhóm loài giáp xác đang phân bố khắp các hệ sinh thái rạn san hô.

Nhóm động vật giáp xác được tiến hành nghiên cứu ở nhiều quy mô khác nhau trên các đối tượng có giá trị kinh tế như: việc phục hồi rừng ngập mặn và nguồn lợi cua giống, Cấu trúc quần đàn các loài thủy sản di nhập vào đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu về giống ghẹ Charybdis (Portunidae) ở Việt Nam, đánh giá nguồn lợi họ cua bơi (Portunidea) tại khu bảo tồn Phú Quốc, Kiên Giang và trên nhiều đối tượng khác nhau tại các hệ sinh thái như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái bãi bồi cửa sông, hệ sinh thái đầm phá… Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về đa dạng thành phần loài nhóm giáp xác tại hệ sinh thái rạn san hô ven bờ và ven đảo trên phạm vi cả vùng biển Việt Nam vẫn chưa được công bố rộng rãi và chi tiết. Đặc điểm phân bố của nhóm loài giáp xác theo vùng địa lý và sinh cảnh nền đáy san hô cũng chưa được quan tâm nghiên cứu chi tiết. Các thông tin phân loại chưa đồng bộ theo hệ thống và nhiều thông tin về danh mục thành phần loài còn thiếu và sai trong quá trình thu thập, tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ cho mục đích quy hoạch, bảo vệ các giá trị đa dạng loài phân bố và giá trị kinh tế với mục tiêu bảo tồn và khai thác nguồn lợi lâu dài, bền vững.

Xuất phát từ lý do thực tế trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm bổ sung các thông tin còn thiếu sót trong danh mục thành phần loài, góp phần quy chuẩn tên loài theo các tác giả trên thế giới đang sử dụng hiện nay.

Rạn san hô ven bờ: Nghiên cứu được tiến hành tại 06 rạn san hô đại diện cho vùng ven bờ biển Miền Trung bao gồm: Nghi Sơn (Thanh Hóa); Kỳ Lợi (Hà Tĩnh); Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); Ghềnh Ráng (Bình Định); Tuy An (Phú Yên); Vũng Rô (Phú Yên)

Địa điểm khảo sát thành phần loài giáp xác tại các rạn san hô ven bờ (A) và rạn san hô ven đảo (B) của Việt Nam

Rạn san hô ven đảo:Nghiên cứu được thực hiện tại 19 rạn san hô đại diện cho vùng ven đảo Việt Nam bao gồm: Hòn Mê (Thanh Hoá); Hòn Mát (Nghệ An); Hòn La (Quảng Bình); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hải Vân - Sơn Chà (Huế); Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi); vịnh Nha Trang, Nam Yết (Khánh Hoà); Hòn Cau, Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu); Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang).

Thành phần loài nhóm giáp xác (Crustacea) được khảo sát và thu mẫu tại các rạn san hô ven đảo trong các năm 2010, 2011, 2015 và tại các rạn san hô ven bờ biển Miền Trung trong năm 2015, 2016.

Kết quả đã xác định được 106 loài giáp xác của 45 giống thuộc 23 họ trong 02 bộ của ngành phụ Crustacea. Trong đó, có 55 loài trong rạn san hô ven bờ và 92 loài trong rạn san hô ven đảo. Từ nghiên cứu này, (năm 2020) tên khoa học của 23 loài đã đươc cập nhật và hiệu chỉnh theo hệ cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học toàn cầu. Chỉ số tương đồng Sorensen giữa các vùng rạn san hô ven bờ dao động trong khoảng từ 0,04 - 0,70 và vùng rạn san hô ven đảo trong khoảng 0,61- 0,93. Chỉ số đa dạng loài giáp xác (H’) của vùng rạn san hô ven bờ và ven đảo đạt mức trung bình lần lượt là 1,41 và 0,83. Trong số này, 09 loài đã được xác định có giá kinh tế cao phục vụ cho việc quy hoạch vùng nuôi.

lttsuong

 

Tạp chi Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6B (2020)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài