SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cần Thơ sắp thí điểm chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

[11/05/2022 16:34]

Cần Thơ là 1 trong 20 địa phương được Bộ KH&CN chọn làm địa phương thí điểm triển khai đánh giá chỉ số ĐMST. Theo đó, các sở KH&CN các địa phương sẽ là đầu mối phối hợp với các sở ban ngành địa phương để thống kê các số liệu liên quan trong bộ tiêu chí đánh giá chỉ số ĐMST.

Theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2022 (Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022), Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực ĐMST và kết quả ĐMST của từng địa phương, đồng bộ với chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt nam.

Tầm quan trọng của chỉ số GII đối với quốc gia

Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng chỉ số ĐMST như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển đất nước.

Trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Việt Nam giữ vị trí xếp hạng về đầu ra đổi mới sáng tạo là 38 và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, từ 62 lên 60 so với năm 2020.

Trong Báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành và trong bản thông cáo báo chí về GII 2021 của WIPO, Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong Báo cáo như hình mẫu đáng học hỏi “Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng ĐMST theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện ĐMST toàn cầu trong những năm tới. Đó là chìa khóa để các quốc gia khác học hỏi từ các quốc gia như Việt Nam và tham gia nhóm các quốc gia liên tục đi lên về ĐMST”.

Sự cần thiết trong đánh giá chỉ số ĐMST tại địa phương

Nghị quyết 05-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về "một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” đã đưa ra quan điểm và mục tiêu đổi mới mô hình (tăng trưởng theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nghị quyết Đại biểu toàn quốc Đại hội XIII của Đảng cũng coi ĐMST là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vừng. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030 được Đại hội XIII thông qua có chủ đề “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huv động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Chiến lược đã chỉ ra một số hạn chế của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm "khoa học, công nghệ và ĐMST chưa thực sự trở thành động lực phát triển “mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, ĐMST”. Để khắc phục những hạn chế này, Chiến lược đã nêu cần "Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dựng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, địa phương''.

Như vậy, con đường phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST đã được quán triệt xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây. Để triển khai thực hiện, cụ thể hóa chủ trương này các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc nắm bắt năng lực và kết quả ĐMST, theo dõi những thay đổi, tiến bộ trong hoạt động ĐMST ở các địa phương là việc rất cần thiết trong thực hiện chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, trong đó, việc xây dựng một bộ chỉ số nhằm đo lường, nắm bắt năng lực và kết quả ĐMST, theo dõi những thay đổi, tiến bộ trong hoạt động ĐMST ở các địa phương là rất cần thiết.

Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ là 1 trong 20 đơn vị thí điểm

Cần Thơ là 1 trong 20 địa phương được Bộ KH&CN chọn làm địa phương thí điểm triển khai đánh giá chỉ số ĐMST. Theo đó, các sở KH&CN các địa phương sẽ là đầu mối phối hợp với các sở ban ngành địa phương để thống kê các số liệu liên quan trong bộ tiêu chí đánh giá chỉ số ĐMST. Tham gia vào việc đánh giá chỉ số ĐMST địa phương sẽ là công cụ để thành phố biết được điểm mạnh, điểm yếu về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó cải thiện các hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phụ vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ngày một tốt hơn.

ctngoc

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài