SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học

[22/06/2022 09:57]

Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, vấn đề này được xem là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi tất cả các lĩnh vực ban ngành cần có biện pháp lâu dài thực hiện mục tiêu giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người.

Thực hiện chủ trương này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định rõ mục tiêu và nội dung giáo dục môi trường và đưa vào chương trình học các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông. Ở cấp học tiểu học, nội dung giáo dục bảo vệ môi trường được tích hợp giảng dạy ở nhiều phân môn với nhiều cấp độ khác nhau như tích hợp toàn phần, tích hợp bộ phận, tích hợp liên hệ… Và trong thực tế, việc tích hợp này cũng tồn tại một số vấn đề khó khăn thách thức. Kết quả khảo sát một số vấn đề về tình hình giáo dục bảo vệ môi trường tại một số trường tiểu học của thành phố Cần Thơ được trình bày trong nghiên cứu này, từ đó, một số biện pháp được đề xuất để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học.

Môi trường được hiểu là toàn bộ “yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên” (Luật Bảo vệ Môi trường, 2020, tr.1). Theo cách hiểu này, môi trường bao hàm cả các yếu tố được hình thành và phát triển trong tự nhiên và các yếu tố do con người tạo ra (môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo) và vì vậy, bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết. Luật Bảo vệ môi trường (2020) cũng đề cập đến hoạt động bảo vệ môi trường, đó là “phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu” (Luật Bảo vệ môi trường, 2020, tr.1). Quan điểm trên cho thấy giáo dục bảo vệ môi trường (GD BVMT) là làm cho mỗi người hiểu được về môi trường và các vấn đề tồn tại của môi trường để từ đó có thể có được các tri thức, kĩ năng cần thiết nhằm thực hiện các hành động giữ gìn, bảo vệ và có cách ứng xử phù hợp với sự thay đổi của môi trường.

Việt Nam là một nước nằm trong nhóm các nước đang phát triển toàn diện mọi mặt về kinh tế và xã hội. Một trong những mặt hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội là vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo vệ môi trường, ở nước ta, 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% các bãi biển đã bị ô nhiễm, hủy hoại về môi trường; 70% các làng nghề ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng (Linh, 2021). Vì lẽ đó, GD BVMT đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề này được đưa vào chương trình giảng dạy từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Đối với cấp tiểu học, việc đưa nội dung GD BVMT vào chương trình giảng dạy được xem là một vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa đặt nền móng ban đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải thiện ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống. Trong quyết định số 1363 (2001) về đề án “Đưa nội dung GD BVMT vào hệ thống giáo dục quốc dân”, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã xác định rõ cần “trang bị những kiến thức cơ bản phù hợp với độ tuổi và tâm sinh lý của học sinh (HS) về các yếu tố môi trường, vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường; giáo dục cho HS có ý thức trong việc bảo vệ môi trường; phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường” (Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 2001, tr.1) cho HS tiểu học. Mới đây, nội dung GD BVMT một lần nữa lại được đề cập đến trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, đó là HS phải có trách nhiệm với môi trường sống “có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh và các con vật; có ý thức giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi; không đồng tình với những hành vi xâm hại thiên nhiên” (Bộ GD&ĐT, 2018, tr.42- 43).

Thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, ngập lụt, gia tăng nhiệt độ, dư lượng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, nước xả thải từ các nhà máy xí nghiệp và các làng nghề, khói từ các khu công nghiệp, chế xuất… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Chính điều này đặt ra nhiệm vụ là cần có giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài để góp phần cải thiện và xây dựng một môi trường xanh, sạch. Trong bối cảnh này, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho HS được xem là một trong những vấn đề mang tính chiến lược, bền vững nhằm góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho HS nói chung và HS tiểu học nói riêng là một vấn đề cấp thiết. Bài viết này thực hiện nghiên cứu khảo sát thực tế việc giảng dạy các nội dung về môi trường và BVMT cho HS tiểu học tại một số trường tiểu học của thành phố Cần Thơ và đề xuất một vài biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả GD BVMT cho HS tiểu học.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1C (2022): 226-234
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài